Vì sao Mỹ chỉ viện trợ nhỏ giọt cho Ukraine dù biết cuộc chiến kéo dài sẽ có lợi cho Nga?
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:09, 14/07/2022
Theo tổng thư ký NATO, việc Ukraine lâm vào cảnh "chiến tranh lâu dài" đã trở nên quen thuộc - một cuộc chiến có thể kéo dài trong nhiều năm. Điều đó cũng có thể là chính xác. Rốt cuộc, cuộc chiến đã kéo dài gần năm tháng và vẫn tiếp tục diễn ra. Nhưng tôi sợ rằng nếu quá sẵn sàng chấp nhận rằng cuộc chiến không có điểm kết thúc trong tầm mắt, chúng ta (phương Tây) có thể sẽ nhượng bộ chủ nghĩa thủ bại và chủ nghĩa cam chịu. Thay vì chịu đựng cuộc chiến không hồi kết, phương Tây nên tập trung vào cách rút ngắn xung đột bằng cách tạo điều kiện cho Ukraine giành chiến thắng.
Rốt cuộc, một cuộc chiến dài có lẽ đang ủng hộ Nga. Nền kinh tế Ukraine dự kiến sẽ giảm 45% trong năm nay giữa bối cảnh Nga tấn công cơ sở hạ tầng kinh tế và phong tỏa bờ Biển Đen. Dù Nga đang phải chịu các lệnh trừng phạt, nhưng nước này dự kiến sẽ thu về nhiều hơn doanh thu từ dầu khí trong năm nay (285 tỉ USD) so với năm ngoái. Trong khi Tổng thống Nga Vladimir Putin dẹp yên sự phản đối trong nước, thì sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine có thể bị lung lay nếu người châu Âu phải chịu giá khí đốt tự nhiên cao ngất ngưởng vào mùa đông và nếu đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát ít nhất một viện của Quốc hội Mỹ (bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ là vào tháng 11.2022).
Đây chắc chắn không phải là thời điểm cho khoảnh khắc “hoàn thành nhiệm vụ” - như thể chỉ cần kéo dài cuộc chiến là thể hiện một loại chiến thắng nào đó. Thật là thất vọng khi đọc trên The New York Times rằng các quan chức giấu tên của chính quyền Biden đang tuyên bố rằng Mỹ đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành "các mục tiêu chiến lược" - đảm bảo rằng một Ukraine độc lập sẽ tồn tại, rằng cuộc tấn công sẽ là một "thất bại chiến lược” đối với Nga, rằng sẽ không có “xung đột giữa các siêu cường” và trật tự quốc tế sẽ được củng cố “xung quanh các giá trị phương Tây”.
Còn quá sớm để cho rằng bất kỳ mục tiêu nào trong số này đã đạt được một cách lâu dài; Tổng thống Putin vẫn chưa từ bỏ toan tính tại Ukraine. Thật là vô cùng nhạy cảm với những thành công được cho là của Mỹ khi khoảng 20% Ukraine vẫn nằm dưới sự chiếm đóng và nhiều người Ukraine đang nằm xuống mỗi ngày. Liệu chúng ta có hài lòng nếu một đội quân chiếm 20 phần trăm lãnh thổ Mỹ không? Theo tính toán của tôi, điều đó sẽ bao gồm toàn bộ các bang California, Florida, Illinois, New York, Michigan và Texas. Chúng ta sẽ không chịu sống với sự phẫn nộ như vậy - và nhiều người Ukraine cũng vậy.
May mắn là Ukraine không thiếu những người tình nguyện sẵn sàng chiến đấu - và nếu cần thiết, có thể hy sinh - để bảo vệ quê hương của họ. Những gì người Ukraine thiếu là vũ khí và đào tạo mà họ cần để đẩy lùi bước tiến của Nga. Họ cũng nhận được cả hai điều trên nhưng không đủ số lượng cần thiết.
Quân đội Anh đã thực hiện một sáng kiến rất cần thiết để huấn luyện quân sự cho 10.000 người Ukraine. Các quốc gia khác nên thiết lập các chương trình của riêng họ để số lượng tân binh được huấn luyện để có thể được tăng lên theo cấp số nhân để bù đắp cho những tổn thất trong thời chiến.
Mỹ và các quốc gia khác cũng đang gửi ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng tới Ukraine. Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động Cao M142 (HIMARS) đang tỏ ra đặc biệt hiệu quả trong việc cho phép người Ukraine nhắm vào các căn cứ và kho đạn của Nga.
Đó là những kết quả ấn tượng nhưng cho đến nay Ukraine mới chỉ nhận được 9 HIMARS. Chính quyền Biden vừa cam kết thêm 4 cái khác ngoài 9 cái mà các đồng minh đã hứa. Nhưng các quan chức Ukraine đang yêu cầu thêm nhiều HIMARS và muốn thấy chúng được trang bị tên lửa tầm xa hơn. Michael G. Vickers, cựu thứ trưởng quốc phòng, người đã cố vấn cho Afghanistan cuộc chiến chống lại quân Liên Xô những năm 1980, gần đây đã mách nước rằng Ukraine cần 60 đến 100 HIMARS hoặc các hệ thống tên lửa phóng hàng loạt khác để giành chiến thắng trong cuộc đấu pháo.
Tại sao chúng ta không gửi nhiều HIMARS hơn? Hôm thứ sáu, tôi đã đặt câu hỏi đó cho một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, người đã trả lời bằng cách chỉ ra tất cả những khó khăn liên quan, từ việc chuyển các hệ thống này đến Ukraine đến việc huấn luyện đủ người Ukraine để vận hành chúng rồi việc cung cấp phụ tùng thay thế để chúng hoạt động. Tất cả đều đúng. Nhưng tại sao chính quyền không thông báo ngay bây giờ rằng họ đang có kế hoạch gửi 60 HIMARS càng sớm càng tốt và tăng cường huấn luyện để đảm bảo Ukraine có đủ người để sử dụng chúng? Loại cam kết đó có thể thay đổi cán cân sức mạnh trên thực địa, tạo điều kiện cho một cuộc phản công của Ukraine giành lại những vùng đất đã mất. Chỉ cần đưa ra thông báo sẽ làm phấn chấn tinh thần Ukraine và khiến người Nga dao động.
Quân đội Mỹ rất giỏi trong việc đạt được các mục tiêu chiến thuật: Nếu bạn bảo binh lính hoặc thủy quân lục chiến chiếm lấy một ngọn đồi, họ sẽ vận động cả trời đất để có được nó. Vấn đề là không rõ mục tiêu mà chương trình viện trợ của Mỹ đang cố gắng đạt được là gì. Tổng thống Biden gần đây đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine “chừng nào còn có thể” để đảm bảo rằng nước này “không bị đánh bại” bởi Nga. Đó có vẻ chưa đủ. Mục tiêu của chúng ta không phải là ngăn chặn Ukraine thua. Mục tiêu sẽ là tạo ra phần thắng cho Ukraine. Đó là cách duy nhất để rút ngắn chiến tranh và chấm dứt đau khổ cho Ukraine.