Chuyện lạ miền Tây: Loài cá kêu éc éc được ương dưỡng, thu lãi cao, ‘sống khỏe’

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 10:08, 14/07/2022

Loài cá có tên kêu rất lạ ở An Giang, khi bắt lên nó có tiếng kêu éc éc (giống con heo) nên người dân nơi đây gọi nó là cá heo và hiện nay loài cá này có giá trị kinh tế rất cao.

Tiên phong nuôi cá heo nước ngọt

Anh Bùi Chí Linh (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) là một trong những người đầu tiên nuôi thành công loài cá heo nước ngọt.

Hiện anh Linh đang có hơn 10 lồng bè cá heo nước ngọt, mỗi bè rộng 3x4 mét, có thể sản xuất hàng trăm kg cá thương phẩm.

2-ca-heo.jpg
Cá heo có tên khoa học "Botia modesta bleeker". Đây là giống cá nước ngọt, loại cá da trơn, sinh sống ở sông Tiền, sông Hậu. Cá có thịt trắng, thơm, béo ngậy và hiện nay có giá bán rất cao - Ảnh: Tô Văn

Anh Linh cho biết, cá heo con giống xuất hiện hằng năm vào mùa lũ, từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. Đây cũng là thời điểm anh bắt đầu thu mua giống đem về thả nuôi.

“Thức ăn chính của cá heo là cám trộn với cá sống (cá biển hoặc cá sông) xay nhuyễn. Nếu có hèm rượu trộn thêm 30%, cá sẽ tăng trọng rất nhanh. Sau 10 tháng nuôi, trọng lượng cá thương phẩm đạt 30con/kg và giá bán ra hiện nay tại bè là 450.000 đồng/kg”, anh Linh nói.

Cũng theo anh Linh, mùa thả cá bắt đầu từ lúc nước lũ lên và thu hoạch vào tháng 8 năm sau, mỗi năm chỉ nuôi có một đợt.

“Cái khó là con giống hiếm. Nên nhiều năm trước, thường phải mua từ Campuchia. Đặc biệt năm nào lũ nhỏ giống cá này càng hiếm”, anh Linh nhận định.

đến ương dưỡng, nuôi cá thành phẩm bán cho thương lái

Ngoài anh Linh nuôi thành công cá heo nước ngọt thì giai đoạn này còn có ông Hồ Ngọc Em (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân), ông Tư Kỳ (xã Vĩnh Xương, TX. Tân Châu), ông Út Nở (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành) đã nuôi thành công cá heo nước ngọt.

1-ca-heo.jpg
Loài cá thiên nhiên này đã được thuần dưỡng, nuôi vỗ béo đẻ trứng rồi cho ương dưỡng, nuôi thành cá thương phẩm xuất bán cho thương lái cả nước - Ảnh: Tô Văn

Ông Hồ Ngọc Em cho biết, sở dĩ gia đình ông chọn con cá heo đuôi đỏ để ương dưỡng, nuôi thành cá thương phẩm bán cho người tiêu dùng, thương lái là bởi loài cá này có giá bán rất cao.

“Như chú thấy đó, đầu tháng 7 vừa qua, mẫu 25-30 con/kg, thương lái đến tận bè mua với giá 450.000 đồng/kg. Mẫu 15-20 con/kg, giá mua trên 500.000 đồng/kg. Vụ vừa rồi, gia đình thả nuôi 700 kg cá giống (mẫu 300-400 con/kg), sau 9 tháng nuôi, thu hoạch được 2,2 tấn cá thương phẩm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lời hơn 300 triệu đồng”, ông Em nói.

Ông Em cho biết thêm, nhiều năm trở lại đây, do các nước thượng nguồn ở Trung Quốc, Lào, Myanmar… xây nhiều đập thủy điện, từ đó loài cá này trong thiên nhiên ngày càng ít đi và khan hiếm.

“Nắm được vấn đề này, đầu năm 2010, Khoa Thủy sản Trường Đại học Cần Thơ đã thực hiện đề tài khoa học "Kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá heo trên địa bàn tỉnh". Đề tài được thực hiện trong 3 năm và thành công nên mở ra triển vọng vô cùng lớn đối với ngành nuôi thủy sản tại ĐBSCL. Cũng từ đây, ngành thủy sản đã chủ động được con giống cá heo đuôi đỏ, không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước đây.

Ngoài các trung tâm giống của tỉnh An Giang, Đồng Tháp thì các hộ chuyên làm cá giống tại huyện Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu) đã nhanh chóng tiếp cận công nghệ, bắt cá thiên nhiên nuôi vỗ béo rồi cho đẻ trứng để ương dưỡng, nuôi thành cá thương phẩm xuất bán cho thương lái cả nước”, ông Em nhớ lại.

3-ca-heo.jpg
Ngành thủy sản đã chủ động được con giống , không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước đây - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo ông Em, việc ương dưỡng cá heo ở kỹ thuật ương nuôi, chăm sóc và phải thực sự hiểu được tập quán sinh sống của cá thì mới thành công.

“Quá trình ương dưỡng từ con bột lên cá hương, con giống là một nghệ thuật, bởi đây là loài cá sống hoang dã, nay con người bắt để thuần dưỡng cho thành thục rồi cho chúng sinh sản nhân tạo.

Từ sinh sống trong môi trường thiên nhiên, nay cá heo trở về sống trong môi trường nhân tạo, dòng nước khép kín, có kiểm soát, từ đó mà mọi yếu tố sinh trưởng của cá đã thay đổi.

Giai đoạn ương dưỡng cá giống kéo dài nhiều tháng. Lúc này, cá giống đã quen với nguồn nước, khí hậu, thức ăn và chế độ dinh dưỡng nên khi thả cá ra bè nuôi, cá không bị sốc nước, sốc nhiệt độ cùng nhiều yếu tố khác, chính điều đó mà gia đình ông đã thành công”, ông Em giải thích.

Được biết, hiện nay rất nhiều nhà hàng, quán ăn ở TP.Long Xuyên, TP.Châu Đốc kể cả ở TP.HCM đang thu gom loài cá heo này để chế biến thành nhiều món ăn độc đáo, như: Cá heo nướng muối ớt, cá heo kho tộ, cá heo canh chua, cá heo kho lạt, nấu cơm mẻ hoặc kho mắm chấm bông điển và bông súng…. Vì vậy, loài cá này luôn hút hàng.

Cá heo, tên khoa học là (Botia modesta Bleeker -1865) thường xuất hiện nhiều trên sông Hậu và sông Tiền. Cá cho thịt thơm, ngon và có thể nuôi làm cảnh. Loài này mình hơi xanh bóng, đuôi màu cam trông rất đẹp, đầu cá có 2 ngạnh véo cong rất nhọn.

Con lớn nhất bằng ba ngón tay và dài khoảng 10 cm. Khi bắt lên khỏi mặt nước cá kêu nghe éc éc giống như tiếng heo nên mới gọi là cá heo. Cá này dễ nuôi, tỷ lệ hao hụt không đáng kể, nhưng muốn đạt năng suất cao, người nuôi phải nắm vững kỹ thuật.

Trước hết là lồng bè phải đặt nơi có dòng chảy mạnh, nước sạch và thường xuyên làm vệ sinh. Theo kinh nghiệm của những người nuôi loại cá này, lồng bè phải được bao bằng 2 lớp lưới chắc chắn, lưới chì bên ngoài và lưới mắt nhỏ bên trong mới bảo đảm không thất thoát, vì đây là loại cá da trơn, đầu có nanh nhọn nên việc cá đào tẩu rất dễ.

Tô Văn