Tỷ lệ bệnh nhân suy tim tử vong cao hơn so với nhiều loại bệnh ung thư
Thông tin Y học - Ngày đăng : 13:03, 14/07/2022
Ngày 14.7, BS.CK2 Lý Văn Chiêu - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch bệnh viện Chợ Rẫy cho hay, bệnh viện vừa chính thức đưa vào hoạt động phòng khám suy tim.
Phòng khám này có chức năng phát hiện các bệnh nhân nguy cơ mắc suy tim và tiền suy tim nhằm phòng ngừa nguyên phát; tư vấn và giáo dục bệnh nhân, cung cấp kiến thức cơ bản và nâng cao hiểu biết về bệnh suy tim; tối ưu hóa điều trị bệnh nhân suy tim cho đội ngũ y bác sĩ; phát hiện và chuẩn bị cho các bệnh nhân suy tim giai đoạn tiến triển được tiếp cận điều trị: chăm sóc giảm nhẹ, ghép tim, thiết bị cơ học hỗ trợ tim…
“Việc đưa vào hoạt động phòng khám suy tim sẽ góp phần quản lý và điều trị bệnh nhân suy tim, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và phù hợp với xu hướng của chuyên ngành Tim mạch trên thế giới nhằm cải thiện và giải quyết các vấn đề tồn tại nói trên; đồng thời, đáp ứng mục tiêu giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ tái nhập viện và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh suy tim”, bác sĩ Chiêu chia sẻ.
Suy tim là một hội chứng lâm sàng phức tạp, là hậu quả sau cùng của nhiều bệnh lý tim mạch – chuyển hóa: tăng huyết áp, bệnh tim thiếu máu cục bộ, đái tháo đường, bệnh thận mạn, bệnh van tim, bệnh tim bẩm sinh, bệnh cơ tim….
Theo bác sĩ Chiêu, hiện nay, do ảnh hưởng của lối sống trong nền kinh tế thị trường, số lượng bệnh nhân mắc bệnh suy tim không ngừng gia tăng. Ước tính tỷ lệ mắc bệnh suy tim hiện tại trên toàn cầu là 2,4% dân số - khoảng 200 triệu dân. Theo một báo cáo từ năm 2010, chi phí điều trị dành cho bệnh nhân suy tim vào khoảng 108 tỉ USD (60% chi phí trong đó là do nằm viện). Số lượng bệnh nhân liên tục tăng, tỷ lệ tử vong cao, từ 10-15% sau 1 tháng, 20-30% sau 1 năm và 40-50% sau 5 năm chẩn đoán (cao hơn nhiều so với bệnh lý ung thư thường gặp như: ung thư vú là 10%; ung thư máu là 30%; ung thư đại trực tràng là 34% sau 5 năm chẩn đoán). Suy tim trở thành gánh nặng xã hội và là 1 trong những lĩnh vực sức khỏe quan trọng cần được quan tâm trên toàn cầu.
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại các khoảng trống trong chiến lược điều trị suy tim như: sự thiếu hiểu biết về bệnh, triệu chứng và tiên lượng của thân nhân và bệnh nhân suy tim; việc tư vấn giáo dục bệnh nhân còn buông lỏng; điều trị nội khoa suy tim chưa đạt tối ưu; phục hồi chức năng tim mạch chưa được quan tâm; điều trị can thiệp bệnh suy tim chưa đồng bộ, thống nhất…