Nga muốn Belarus tham chiến để bù đắp tình trạng thiếu hụt binh lính?

Quốc tế - Ngày đăng : 13:56, 15/07/2022

Cố vấn tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak đã cảnh báo rằng Nga muốn đưa Belarus vào cuộc chiến ở Ukraine để bù đắp cho số quân nhân đang bị suy giảm.

Trong nhiều tháng, lực lượng vũ trang Ukraine đã cảnh báo về sự gia tăng hoạt động quân sự và cấp độ quân đội gần biên giới với Belarus của Tổng thống Alexander Lukashenko - người đã ủng hộ hết mình cho chiến dịch quân sự đặc biệt do người đồng cấp Nga Vladimir Putin khởi xướng.

Các cuộc tập trận của Belarus trong tháng 7 này ở khu vực Gomel ở biên giới với Ukraine đã làm rõ hơn về viễn cảnh Belarus cuối cùng sẽ tham chiến, đặc biệt trong bối cảnh khi quân đội Nga được phương Tây "đồn đoán" rằng đang chịu tổn thất "nặng nề".

"Nga muốn lôi kéo Belarus vào một cuộc xung đột chống lại Ukraine để lấp đầy sự thiếu hụt nhân sự của họ", Cố vấn tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Mikhail Podolyak đã viết trên mạng xã hội Twitter hôm 14.7.

Trước đó vào tháng 5, Belarus đã triển khai các lực lượng hoạt động đặc biệt dọc theo biên giới Ukraine. Trong thời gian đó, Bộ tổng tham mưu Ukraine nói rằng các lực lượng vũ trang của Belarus đã tăng cường trinh sát và triển khai thêm các đơn vị ở khu vực biên  giới Gomel, đặt ra "mối đe dọa từ các cuộc tấn công tên lửa và không kích" từ lãnh thổ Belarus.

Oleksiy Gromov, Phó tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Ukraine, cho biết Belarus đã trao "toàn quyền kiểm soát" sân bay Zyabrovka gần biên giới Ukraine-Belarus cho Nga, nơi các hệ thống tên lửa Iskander và S-400 đã được triển khai.

Theo hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta, mặc dù Tổng thống Lukashenko khẳng định không có binh sĩ nước này đang chiến đấu ở Ukraine, nhưng hôm 2.7, ông cảnh báo rằng Minsk sẽ tham chiến với Moscow nếu lực lượng của Kyiv vượt qua biên giới hoặc bắt đầu nhắm vào người dân Belarus.

Theo Viện nghiên cứu địa chính trị Warsaw (Ba Lan), mặc dù Belarus đã hỗ trợ hậu cần quan trọng cho Nga, nhưng việc gửi quân đến Ukraine có thể gây ra vấn đề không nhỏ đối với quyền lực của Tổng thống Lukashenko khi 80% dân số nước này được cho là phản đối động thái như vậy.

Viện Warsaw hôm 14.7 cho biết các lực lượng vũ trang của Ukraine đã xây dựng hệ thống phòng thủ dọc theo biên giới phía bắc của nước này với Belarus, nơi có hoạt động quân sự tăng đột biến, và có tới 7 tiểu đoàn Belarus đang đóng quân gần đó. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn "không có dấu hiệu nào cho thấy cả Belarus hoặc Nga đang thành lập các nhóm tác chiến để tấn công Ukraine từ phía bắc".

Hoàng Vũ