Nhà văn trẻ Thương Hà và cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam

Văn hóa - Ngày đăng : 17:50, 15/07/2022

“Vùng biên không yên tĩnh” của nữ nhà văn Thương Hà có một cách tiếp cận khá mới về đề tài “Chiến tranh và người lính” theo mảng chủ đề di chứng thời hậu chiến đang tạo nên sự chú ý trong dư luận văn chương hiện nay.
292988541_728838648385743_3027852307428466542_n.jpg
Nhà văn Thương Hà - Ảnh: NVCC

Nhà văn Thương Hà thuộc thế hệ 8x, cô mới xuất hiện gần đây với các tác phẩm Người PTSD, Bóng đêm của Diệu, Một con đường, NALIS Xô dạt bờ định mệnh… Hai tiểu thuyết mới nhất của cô vừa được NXB Đà Nẵng ấn hành là Vùng biên không yên tĩnh Những oan hồn bất tử.

Nói Thương Hà “mới xuất hiện” nhưng thực ra cô đã viết từ rất lâu, thời còn đi học và gần đây sức viết của Thương Hà trở nên mạnh mẽ hơn, chỉ trong vòng 2 năm cô đã cho ra đời đến 6 cuốn tiểu thuyết.

Thương Hà chia sẻ, đam mê viết lách từ rất sớm, nhưng bố mẹ sợ con dính vào văn chương sẽ khổ nên đã tìm mọi cách để ngăn cản, cấm đoán. Thói đời, cái gì càng cấm thì đến một lúc nào đó có cơ hội sẽ bộc phát như đê vỡ tuôn trào. Khi Thương Hà có cuộc sống tự lập, tự chủ thì cô đã trở lại với đam mê của mình. Cô lao vào viết và viết...

293050418_1672278129807433_881480744389716263_n.jpg
Nhà văn Thương Hà thuộc thế hệ 8x-Ảnh: NVCC

Thương Hà cho biết cô viết như một nhu cầu tự thân, không mưu cầu gì khác ngoài được trải lòng thành câu chữ. Viết với Thương Hà còn là “để chơi” như mỗi chúng ta đều có thú vui, niềm đam mê vậy. “Khi viết, em chỉ mong được in thành sách và để các cuốn sách của mình bên cạnh sách của bố em” – Hà chia sẻ.

Cuối tháng 6.2022, hai tác phẩm Vùng biên không yên tĩnh viết về chiến tranh biên giới và Những oan hồn bất tử viết tình yêu và nạn nạo phá thai đã và đang tạo nên những vết thương trong nhiều gia đình Việt đã được NXB Đà Nẵng phát hành trên toàn quốc. Hai cuốn sách mới của Thương Hà tạo nên sự chú ý trên văn đàn, đặc biệt tiểu thuyết Vùng biên không yên tĩnh thu hút sự quan tâm của giới phê bình văn học bởi bút pháp và góc nhìn mới mẽ về thời hậu chiến của một nhà văn còn rất trẻ.

img_1642.jpg
Tác phẩm của Thương Hà, sách do NXB Đà Nẵng ấn hành 7.2022 - Ảnh: Tiểu Vũ 

Nhận xét về tác phẩm của Thương Hà, nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn viết: “Đề tài chiến tranh biên giới Tây Nam từng được nhiều nhà văn cựu binh thể hiện như Miền hoang của Sương Nguyệt Minh, Mùa xa nhà của Nguyễn Thành Nhân, Mùa chinh chiến ấy của Đoàn Tuấn, Đất K của Bùi Quang Lâm... Vậy mà, tác giả Thương Hà vẫn tìm được một góc độ riêng để viết. Vùng biên không yên tĩnh của Thương Hà nhẹ nhàng, linh hoạt mà cũng đầy day dứt. Tác phẩm của Thương Hà dẫn dắt độc giả vào một không gian khắc khoải và trầm. Câu chuyện quá khứ khắc khoải trong trầm tư, và câu chuyện số phận trầm tư trong khắc khoải. Một tác giả sinh ra trong hòa bình như Thương Hà, dám động bút vào đề tài hậu chiến đã là một thử thách đáng ái ngại, không ngờ chị lại viết rất khéo và viết có văn…”

Video chia sẻ của nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn: 

Cũng theo nhà phê bình Lê Thiếu Nhơn, tiểu thuyết của Thương Hà không gợi lại vết thương chiến tranh để thêm đau đớn, thêm ê chề mà góp phần hóa giải những đau thương thù hận. Góc nhìn về cuộc chiến biên giới Tây Nam của Thương Hà cho thấy chị là cây viết đủ bản lĩnh để thừa kế các nhà văn thế hệ đi trước mạnh dạn khai thác đề tài gai góc như hậu chiến với thông điệp tự tin chưng cất qua số phận mỗi nhân vật: “Cái lịch sử trên trang sách chỉ là những thứ mà người đời muốn con cháu mình đọc mà thôi. Lịch sử thật sự chính là những người như chúng ta đây”.  

Tôi thật sự bất ngờ khi biết tác giả Thương Hà thuộc thế hệ 8x, lại viết được những trang văn mang dấu ấn của một thế hệ trải nghiệm chiến tranh sâu sắc đến nhường ấy. Tác giả sớm định hình một giọng điệu vừa chững chạc, vừa phóng túng khi viết về một thế giới mở, không bị đóng băng bởi thiên kiến hay sự giằng kéo ngoài văn chương nào. Cổ nhân nói “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”. Đọc xong Vùng biên không yên tĩnh, tự nhiên tôi cảm thấy một cách thật rõ ràng: dường như trong đó có cả hoa, có cả nụ. Chỉ váng vất một điều: giá như tác giả biết cách, mạnh dạn dùng phép tỉnh lược, thì tác phẩm sẽ gọn ghẽ, hài hòa, sắc nét hơn như chính cá tính của người nữ cầm bút. Nhưng như người ta thường nói, vì hai chữ “giá như” lịch sử có thể còn thay đổi, huống hồ văn chương. Đành lòng vậy, cầm lòng vậy.

 Bùi Việt Thắng (nhà văn)

Tác giả Thương Hà đan cài quá khứ và hiện tại trong những bước chân chậm chạp và nặng nề của nhân vật Bình. Quá khứ của Bình có khi hiện lên cả bóng dáng Pol Pot. Hiện tại của Bình có khi nhìn thấy “khuôn mặt trang điểm kỹ lưỡng treo lên một nụ cười trông không thể chuyên nghiệp hơn” của nhà văn trẻ Trang Pi cậy mối quan hệ dan díu với Tổng biên tập Chương để mưu cầu thứ danh vọng dễ dãi. Nhân vật Bình tồn tại ở hiện tại nhưng chập chờn ở quá khứ. Ám ảnh chiến trường Campuchia cồn cào hơn, càng dữ dội hơn khi Bình có chuyến đi Hà Giang cùng đồng nghiệp Hoàng Mai thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên. Hình ảnh cô gái Dao thoắt ẩn thoắt hiện hát ru từng ngôi mộ, càng dày vò Bình nhớ về những nạn nhân của nạn diệt chủng trên đất bạn. 
Lê Thiếu Nhơn (nhà phê bình văn học)

Tiểu Vũ