Sau vụ tài trợ cho trường ở Anh, cổ đông của Vietjet sẽ phải lo đưa lượng khí thải carbon về 0 vào 2050
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 08:27, 16/07/2022
Như đã đưa tin, Linacre College - một trường trực thuộc Đại học Oxford, vương quốc Anh, đã được chính phủ nước này cho phép nhận khoản tài trợ 155 triệu bảng Anh được đề xuất từ một tập đoàn Việt Nam sau khi chính phủ kết thúc việc xem xét.
Linacre College nay sẽ có thể đổi tên thành Thao College, theo tên của Chủ tịch SOVICO Nguyễn Thị Phương Thảo, sau khi họ nhận được 50 triệu bảng Anh đầu tiên.
Đáng chú ý theo báo chí Anh, là một phần của biên bản ghi nhớ, Tập đoàn SOVICO đã đồng ý rằng tất cả các công ty con của họ sẽ tạo ra lượng khí thải carbon thuần bằng 0 vào năm 2050 và sẽ lập báo cáo hàng năm về tiến độ đạt được điều này.
Đưa khí thải carbon ròng bằng 0 cũng được đại diện trường nhấn mạnh với báo chí sở tại. Đại diện trường Lincre College cho biết: “Đại đa số các cựu sinh viên và các thành viên hiện tại của Trường đã bày tỏ sự ủng hộ, nhiệt tình và hào hứng với cơ hội tuyệt vời này. Việc quyên góp sẽ không chỉ cho phép chúng tôi tạo ra danh mục học bổng lớn nhất dành cho sinh viên sau tốt nghiệp có hoàn cảnh khó khăn của bất kỳ trường đại học nào ở Oxford, nó còn cho phép chúng tôi tạo ra một khuôn viên mới, được xây dựng theo tiêu chuẩn của Passivhaus, điều đó sẽ là một bước tiến quan trọng trong tham vọng của chúng tôi nhằm đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0”.
Được biết, Tập đoàn SOVICO là cổ đông sáng lập của hãng Hàng không Vietjet Air- hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.
Ngày 13.5 vừa qua, tại thủ đô Washington (Mỹ), trong những hoạt động cùng Diễn đàn ASEAN, Tập đoàn SOVICO đã có cuộc họp chính thức với đoàn công tác của ông John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Joe Biden về Biến đổi Khí hậu.
Tại cuộc gặp, cựu Ngoại trưởng John Kerry chia sẻ ông rất mong chờ tham dự cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu với đoàn công tác đến từ Việt Nam và gửi lời thăm hỏi tới nữ tỷ phú Việt Nam khi bà không tham dự chuyến thăm Mỹ đợt này. "Đây là thời khắc quan trọng và tôi hy vọng Việt Nam có thể nhận lấy vai trò đi đầu trong lĩnh vực này. Nếu chúng ta không dành đủ quan tâm, vấn đề này sẽ tác động hàng triệu người", ông nhấn mạnh.
Ông Kerry cho biết đã có những trao đổi hiệu quả với Tập đoàn SOVICO về biến đổi khí hậu. "Chúng tôi có kế hoạch hợp tác cùng Đại học Harvard để thực hiện các nghiên cứu, đào tạo và hỗ trợ thích ứng biến đổi khí hậu tại Việt Nam".
Ông Kerry cũng đề xuất về sản xuất hydrogen, vận chuyển hydrogen và amoniac và xuất khẩu."Chúng ta cần phát triển hydrogen và amoniac để giảm thiểu CO2. Chúng tôi có những nguồn vốn cho năng lượng sạch lên tới hàng ngàn tỉ USD", ông khẳng định.
Tại buổi làm việc, phía Mỹ và ông John Kerry đã dành sự quan tâm và thảo luận các vấn đề như: sáng kiến tài trợ cho chương trình nghiên cứu và đào tạo chống biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Cùng hợp tác với Tập đoàn Boeing trong chương trình giảm thải CO2, nghiên cứu nhiên liệu Hydrogen thay thế...
Các hãng hàng không Mỹ đang sẵn sàng tăng cường mục tiêu khí hậu bằng cách cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Ông Andrew Murphy, phụ trách ngành hàng không thuộc Bộ Giao thông và Môi trường Mỹ cho biết: “Hàng không sẽ không đạt mức không phát thải vào năm 2050 trừ khi họ chấp nhận các luật khí hậu ràng buộc được đặt ra ở cấp quốc gia".
Cam kết bao gồm các nhà sản xuất hàng không thương mại như nhà sản xuất máy bay Boeing và các nhà cung cấp Honeywell và Spirit. Hãng sản xuất máy bay châu Âu Airbus cho biết họ cũng sẽ đặt mục tiêu không phát thải vào năm 2050.
Các nguồn tin cho biết, để giúp đạt được mục tiêu mới, các nhà sản xuất đã cam kết mở rộng đầu tư vào thế hệ công nghệ mới cho các máy bay hiệu quả hơn, như động cơ phản lực hybrid dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng trong thập kỷ tới.
Các hãng hàng không, sân bay và các nhà sản xuất hàng không vũ trụ đang thúc giục sự hỗ trợ của chính phủ để tăng cường sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững cần thiết để đạt được các mục tiêu.