Nhà sản xuất smartphone cho Xiaomi nói về chuỗi cung ứng ở Trung Quốc và mở rộng sang Việt Nam

Thế giới số - Ngày đăng : 10:15, 16/07/2022

DBG Technology Co đang mở rộng năng lực sản xuất ở nước ngoài trong bối cảnh gián đoạn liên quan đến đại dịch tại Trung Quốc dù chuỗi cung ứng của nước này vẫn "không thể thay thế", theo lãnh đạo công ty.

DBG Technology Co là nhà sản xuất theo hợp đồng cho các thương hiệu smartphone lớn của Trung Quốc như Xiaomi, Honor và Huawei.

Niêm yết tại thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), DBG Technology Co có địa điểm sản xuất chính đặt tại thành phố Huệ Châu lân cận.

DBG Technology Co đã và đang xây dựng cơ sở của riêng mình tại Việt Nam ở tỉnh Thái Nguyên với mục tiêu sản xuất 3 triệu thiết bị cầm tay hàng tháng trong thời gian 3 năm tới, trên diện tích nhà máy đang thuê hiện tại, nơi tạo ra hơn 100.000 smartphone mỗi tháng. Xu Yusheng, Thư ký Hội đồng quản trị của DBG Technology Co, tiết lộ thông tin này với trang SCMP.

Dự án nhà máy của công ty TNHH DBG Technology (Việt Nam) do nhà đầu tư DBG Electronics Investment Limited (Hồng Kông) đăng ký đầu tư tại Khu công nghiệp Yên Bình, phường Đồng Tiến, thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư đăng ký 80 triệu USD.

Mục tiêu của dự án là gia công và lắp ráp điện thoại, thiết bị truyền dữ liệu, ăng ten thu phát sóng, thiết bị cáp vô tuyến, máy tính, sản xuất, gia công và lắp ráp thiết bị âm thanh, hệ thống truyền âm thanh và thiết bị khuếch đại, camera, các mô đun giao tiếp Wi-Fi/Bluetooth, bảng mạch, linh kiện điện tử, điều khiển công nghiệp và các thiết bị gia dụng…

Dự án có quy mô sản lượng dự kiến đạt khoảng 20 triệu chiếc/năm, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động, doanh thu dự kiến đạt 110 triệu USD/năm, đóng góp ngân sách nhà nước khoảng 1,4 triệu USD/năm. Đây cũng là dự án sản xuất theo hướng công nghệ cao, thân thiện với môi trường và tiết kiệm năng lượng.

Nhà máy này đã đi vào hoạt động từ những tháng cuối năm 2021.

Nhà máy của DBG Technology Co đã giao lô smartphone Xiaomi sản xuất tại Việt Nam đầu tiên tháng trước, với các mẫu được bán cho thị trường địa phương cũng như Malaysia và Thái Lan, để giải quyết sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra, theo một báo cáo dẫn nguồn từ một đại lý Xiaomi tại Việt Nam.

Chi phí vận chuyển của Xiaomi đến Đông Nam Á đã tăng do đại dịch và chi phí hậu cần leo thang, vì vậy việc sản xuất tại Việt Nam có thể giúp kiểm soát chi phí”, Xiaomi cho biết trong một tuyên bố qua email.

nha-san-xuat-smartphone-cho-xiaomi-noi-ve-chuoi-cung-ung-o-trung-quoc.jpg
DBG Technology Co đang mở rộng cơ sở tại Thái Nguyên - Ảnh: Handout

Ông Xu Yusheng cho biết những công ty trong ngành công nghiệp smartphone đang hướng ra bên ngoài để tiếp cận gần hơn với thị trường quốc tế, đặc biệt là khi tiêu dùng ở Trung Quốc đang giảm bớt.

Dù các đơn đặt hàng tại các nhà máy Huệ Châu của DBG Technology Co vẫn đang tăng lên hàng năm, ước tính về tăng trưởng tổng thể vào 2022 vẫn không rõ ràng vì các khách hàng sử dụng smartphone đang làm thay đổi mục tiêu hiệu suất năm nay của họ, ông Xu Yusheng nói thêm.

Gần đây việc các nhà sản xuất smartphone và những ngành công nghiệp khác thiết lập cơ sở sản xuất bên ngoài Trung Quốc đã trở thành “xu hướng tất yếu”, quá trình này “không phải là chuyển giao, mà là bản sao chuỗi cung ứng của Trung Quốc”, Xu Yusheng nói.

Ông Xu Yusheng nói thêm: “Sản xuất tại Việt Nam không bao giờ thay thế được cho sản xuất ở Trung Quốc, mà là một phần mở rộng của điều đó”.

Quyết định chọn Việt Nam làm cơ sở sản xuất mới nhất của Xiaomi đã thu hút sự chú ý vì hãng này theo sau các động thái tương tự từ các nhà sản xuất smartphone lớn nhằm chuyển các bộ phận trong chuỗi cung ứng ở Trung Quốc sang Đông Nam Á nhằm tìm kiếm chi phí thấp hơn và sản lượng sản xuất ổn định hơn trong thời gian xảy ra đại dịch.

Chẳng hạn, Apple đã chuyển một số hoạt động sản xuất iPad từ Trung Quốc sang Việt Nam vào tháng trước sau đợt phong tỏa ở thành phố Thượng Hải và các khu vực lân cận làm gián đoạn sản xuất, trang Nikkei Asia đưa tin.

Tuy nhiên, động thái ra nước ngoài của DBG Technology Co (công ty năm 27 tuổi) đã bắt đầu trước khi đại dịch bùng phát. Cụ thể hơn, DBG Technology Co đã xây dựng nhà máy cho Xiaomi ở Ấn Độ vào năm 2019. Nhà máy này có trụ sở tại bang Haryana, hiện sản xuất hơn 1 triệu smartphone hàng tháng, chủ yếu dành cho thị trường Ấn Độ. Qua đó, nó hiện là cơ sở lớn nhất ở nước ngoài của DBG Technology Co.

Năm 2021, DBG Technology Co tiếp tục mở rộng sang Đông Nam Á, xây dựng các nhà máy ở Bangladesh và Việt Nam. Trong khi dự án của DBG Technology Co tại Việt Nam vẫn tiếp tục được xây dựng, hoạt động sản xuất trong nước đã bắt đầu với các nhà xưởng và dây chuyền sản xuất từng thuê.

Về lâu dài, DBG Technology Co muốn tiếp tục mở rộng sự hiện diện ở nước ngoài, hiện chiếm chưa đến 20% tổng hoạt động kinh doanh của công ty, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ thị trường quốc tế.

Theo Xu Yusheng, động cơ chính để thiết lập cơ sở sản xuất ở các nước như Ấn Độ và Việt Nam là giảm thuế quan, sau cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ khiến smartphone sản xuất tại Trung Quốc trở nên đắt hơn với người tiêu dùng nước ngoài.

Chuỗi cung ứng địa phương ở Việt Nam đã được cải thiện sau khi Samsung mở rộng cơ sở sản xuất tại nước ta. Gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy sản xuất smartphone cuối cùng ở thành phố Huệ Châu sau khi thương hiệu này mất đi sự phù hợp tại thị trường Trung Quốc và trong bối cảnh chiến tranh thương mại Trung - Mỹ gia tăng.

Tuy nhiên, sự tinh vi và toàn diện trong chuỗi cung ứng của chính Trung Quốc vẫn sẽ là lợi thế lâu dài.

Xu Yusheng cho biết: “Tính toàn diện của chuỗi cung ứng smartphone Trung Quốc đã được thực hiện sau hai thập kỷ phát triển. Chúng tôi có thể dễ dàng có được tất cả thành phần, thiết bị thử nghiệm và mọi thứ khác cần thiết để tạo ra thứ gì đó từ đầu, trong vòng một giờ lái xe từ nhà máy Huệ Châu của chúng tôi. Không có nơi nào khác như thế này ngoài Trung Quốc”.

Sơn Vân