Hà Nội định hướng phát triển khu vực Hồ Tây thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:06, 16/07/2022

Trao đổi bên lề hội nghị lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về Đồ án Quy hoạch chi tiết Trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500, ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó chủ tịch UBND quận Tây Hồ chia sẻ thông tin chính thức về những cơ sở của Quy hoạch và các phương án tổ chức không gian, cảnh quan.

Được biết quận Tây Hồ đang lấy ý kiến tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về đồ án Quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An, tỷ lệ 1/500 tại phường Quảng An, quận Tây Hồ. Xin ông cho biết đâu là những căn cứ và cơ sở để xây dựng quy hoạch này?

Về mặt pháp lý, quy hoạch được lập ra nhằm cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10.5.2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.

ong-nguyen-le-hoang-pho-chu-tich-ubnd-quan-tay-ho.jpg
Ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ

Việc xây dựng quy hoạch cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng của Đảng, Chính phủ về công tác văn hóa.

Cụ thể, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa diễn ra cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. 

Đồng thời, Tổng Bí thư yêu cầu: “Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển văn hoá. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế mà ít quan tâm đến văn hoá. Phải quán triệt nghiêm túc quan điểm "văn hoá phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội".

Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" cũng nêu rõ nhiệm vụ “Rà soát, cập nhật “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội” vào điều chỉnh bổ sung Quy hoạch Thành phố”. Thành phố đặt mục tiêu bố trí quỹ đất, nguồn lực cho các dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, tạo không gian văn hóa cho cộng đồng.

Việc lập Quy hoạch chi tiết khu vực không gian trung tâm bán đảo Quảng An là phù hợp định hướng phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, củng cố quyết tâm: Đầu tư phát triển văn hóa song hành với phát triển kinh tế.

Nhiều người lo ngại quy hoạch này sẽ ảnh hưởng tới sinh kế cũng như môi trường và giao thông trong một khu vực vốn đông đúc. Thành phố đã có nghiên cứu cụ thể như thế nào về những tác động của Quy hoạch này tới hiệu quả kinh tế xã hội, hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông cũng như các vấn đề khác liên quan?

Thành phố định hướng phát triển khu vực này thành trung tâm sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô. Đối với đồ án này, phạm vi ranh giới, quy mô diện tích, mật độ xây dựng, tầng cao công trình và dân số của 3 ô quy hoạch 16, 17, 19 theo quy hoạch phân khu được duyệt, không làm tăng quy mô dân số.

anh-ban-dao-quang-an_minh-hoa(1).jpg
Ảnh bán đảo Quảng An_minh họa

Về mặt giao thông, đồ án cũng đã quy hoạch mạng lưới giao thông và có kế hoạch đầu tư hạ tầng kỹ thuật chung cho bán đảo Quảng An. Trước mắt, dự kiến nâng cấp mở rộng một số tuyến đường giao thông theo quy hoạch với mục đích đảm bảo giao thông kết nối thuận tiện thông suốt bên trong và bên ngoài khu vực nghiên cứu, bố trí các điểm bãi đỗ xe đồng bộ, hệ thống cấp điện, thông tin liên lạc được bổ sung đầy đủ cho khu vực…

Với một khu vực giàu giá trị văn hóa như khu vực Hồ Tây, phương án tổ chức không gian, cảnh quan sẽ được tiến hành như thế nào, để vừa bảo tồn các công trình di tích lịch sử văn hóa tôn giáo, lại vừa mang thêm những nét văn hóa mới hiện đại và đẳng cấp?

Phát triển công trình văn hóa đương đại đi đôi với bảo tồn các giá trị lịch sử hiện hữu là nguyên lý cần được tuân thủ nghiêm ngặt. Theo đó, quy hoạch này sẽ hình thành trục không gian chính mang ý nghĩa tâm linh - cảnh quan, kéo dài từ đường Đặng Thai Mai đến sát Hồ Tây. Điểm khởi đầu là khu vực quảng trường giao thông, giao giữa đường Đặng Thai Mai với đường có lộ giới 22m, tiếp đến là chuỗi công trình di sản văn hóa - tôn giáo kết hợp với khu vực cây xanh cảnh quan, điểm nhấn đặc trưng cho toàn khu vực. Tiếp nối là không gian quảng trường nghệ thuật dẫn hướng đến mặt nước hồ Đầm Trị và hồ Tây. Kết thúc trục không gian là công trình điểm nhấn nhà hát thành phố và cảnh quan mặt nước hồ Tây. 

chan-dung-nha-thiet-ke-lung-danh-renzo-piano(1).jpeg
Chân dung nhà thiết kế lừng danh Renzo Piano

Ông có thể chia sẻ quy mô của nhà hát – công trình điểm nhấn của dự án?

Dự kiến, Nhà hát sẽ có khán phòng opera với sức chứa 1.822 chỗ, đủ điều kiện tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật quy mô lớn. 

phoi-canh-du-an.jpg
Phối cảnh dự án

Bên ngoài nhà hát là hệ thống không gian công cộng, gồm nhà triển lãm, khu ẩm thực, quảng trường trung tâm. Bên trong gồm một loạt các phòng chức năng như phòng tập nghệ thuật, thư viện ở tầng trệt, nhà hàng nhỏ có tầm nhìn bao quát toàn cảnh hồ Tây được bố trí ở các tầng cao. Tại đây cũng sẽ có một bảo tàng nghệ thuật tôn vinh các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng thế giới của Việt Nam. 

Chúng tôi tin tưởng rằng, với thiết kế và công năng như vậy, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ là một công trình nghệ thuật, một biểu tượng kiến trúc nghệ thuật mới của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

**

H.V