Nghịch lý: Phương Tây dù lắm tiền nhưng không đủ khả năng viện trợ vũ khí lâu dài cho Ukraine
Góc nhìn - Ngày đăng : 08:37, 17/07/2022
Dài và ngắn có những điểm khác nhau rõ ràng, trong khi Mỹ và NATO có thể chiến đấu trong một cuộc xung đột ngắn, thì cả hai đều không thể hỗ trợ một cuộc chiến kéo dài vì không có đủ thiết bị trong kho hiện đã cạn kiệt và thời gian để chế tạo phần cứng thay thế còn lâu.
Bất chấp lịch sử đã làm như vậy trước đây, bắt đầu từ năm 1939, thì ngày nay có rất ít cơ hội để Mỹ có thể đẩy sản xuất tăng đột biến, hay còn biết cách làm như vậy nếu được phép.
Chỉ dựa trên những hoàn cảnh đó - và có thêm những lý do thuyết phục - Mỹ và NATO nên suy nghĩ về cách chấm dứt chiến tranh ở Ukraine thay vì kiên định với chính sách đã tuyên bố là cố gắng làm chảy máu Nga.
Hãy bắt đầu bằng cách nhìn lại thời điểm mà Mỹ biết cách lập kế hoạch để tăng cường năng lực chế tạo vũ khí.
Tiền lệ WW2
Năm 1939, chính quyền Roosevelt, với sự ủng hộ của Quốc hội, đã thông qua Đạo luật Huy động Quốc phòng. Cuối cùng, điều này dẫn đến việc thành lập Ban Sản xuất Chiến tranh, Văn phòng Quản lý Sản xuất và thống nhất ngành công nghiệp Mỹ để chống lại Đức Quốc xã và Nhật quân phiệt.
Năm 1941, Tổng thống đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia không giới hạn, trao cho chính quyền quyền lực để chuyển sản xuất công nghiệp sang phục vụ quân sự. Từ năm 1940 đến năm 1945, Mỹ đã cung cấp gần 2/3 tổng số vật tư chiến tranh cho các đồng minh (bao gồm cả Liên Xô và Trung Quốc) và cho các lực lượng của Mỹ - sản xuất khoảng 297.000 máy bay, 193.000 khẩu pháo (tất cả các loại) và 86.000 xe tăng (hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng).
Nga phải đối mặt với một thách thức khó khăn hơn vì sau khi Đức Quốc xã tấn công Liên Xô vào tháng 6.1941, nhiều cơ sở hạ tầng công nghiệp quốc phòng của Nga đã bị đe dọa. Nga đã sơ tán 1.500 nhà máy tới Dãy núi Ural hoặc Trung Á thuộc Liên Xô. Ngay cả thi hài của Lenin cũng được chuyển từ Moscow đến Tyumen, cách Moscow 2.500 km.
Đáng chú ý, Nhà máy Xe tăng 183 của Stalin sẽ được chuyển từ Kharkiv, hiện là một thành phố tranh chấp trong chiến tranh Ukraine, đến Ural, đổi tên thành Uralvagonzavod và đặt tại Nizhny Tagil. Cơ sở này từng là một nhà sản xuất xe lửa, nên rấ thích hợp cho việc sản xuất xe tăng. Việc di dời nhà máy sản xuất xe tăng do Isaac Zaltzman quản lý.
Tại nhà máy đó, Liên Xô đã sản xuất một số lượng lớn xe tăng (hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng), đáng chú ý nhất là T-34, thiết kế xe tăng thành công nhất thế giới (dựa trên khung gầm xe tăng Christie của Mỹ). Tổng cộng Liên Xô đã sản xuất gần 78.000 xe tăng và pháo tự hành đặt trên khung gầm xe tăng.
Đã đến thời điểm của sự thật
Đáng chú ý là ngày nay Nga cũng như Mỹ và các đối tác NATO đều phải đối mặt với các vấn đề về nguồn cung khi cuộc chiến ở Ukraine đang tiếp diễn. Trong khi Mỹ và châu Âu duy trì một cơ sở công nghiệp thương mại đáng kể, cần thiết để cung cấp các thành phần quan trọng cho thiết bị quốc phòng, thì Nga lại thiếu cơ sở hạ tầng sản xuất dân dụng chuyên sâu - đặc biệt là về thiết bị điện tử, cảm biến và điện quang tiên tiến.
Mỹ và châu Âu phải đối mặt với rủi ro vì họ ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung cấp công nghệ cao từ châu Á. Ngày nay, nguồn cung bị tắc nghẽn nghiêm trọng, thiếu hụt và lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Ngay cả Trung Quốc, quốc gia có cơ sở hạ tầng sản xuất thương mại khổng lồ, cũng gặp khó khăn trong việc có được các vi mạch tích hợp phức tạp nhất, chỉ được sản xuất tại Đài Loan bởi Taiwan Semiconductor (TSMC).
Hoạt động mua sắm hàng hóa quốc phòng của Mỹ và châu Âu diễn ra theo từng đợt, không liên tục. Kinh phí được cấp chỉ để mua một số lượng thiết bị quốc phòng nhất định. Khi hợp đồng hoàn thành và không có giao dịch mua tiếp theo ngay lập tức, dây chuyền sản xuất sẽ ngừng hoạt động và các nhà cung cấp linh kiện cấp hai và cấp ba cũng ngừng sản xuất - hoặc họ chuyển sang làm việc cho các dự án khác (và trong một số trường hợp là ngừng kinh doanh sản phẩm đó luôn).
Điều này có nghĩa là nếu sau này có đơn đặt hàng mới, mạng lưới nhà cung cấp và dây chuyền sản xuất sẽ phải bắt đầu gần như lại từ đầu. Ngoài sự mất mát về cơ sở hạ tầng cho một số loại vũ khí, còn có sự thiếu hụt liên quan đến các công nhân và kỹ sư nhà máy có tay nghề cao rời bỏ công việc.
Chuyển về công nghiệp thời chiến?
Đô đốc Sir Tony Radkin, người đứng đầu Bộ Tổng Tham mưu Quốc phòng Vương quốc Anh, nói rằng "năng lực công nghiệp để lấp đầy" đã trở thành "một vấn đề quan trọng" vì tỷ lệ sử dụng vũ khí ở Ukraine - nơi thiếu hụt nguồn cung đang ảnh hưởng đến khả năng của Ukraine tiếp tục chiến đấu.
Phát biểu trước Ủy ban Quốc tế và Quốc phòng Hạ viện Anh, Radkin từng nói: “Chúng ta đang nói chuyện trong nhiều năm nữa, bởi vì bạn không thể sử dụng vũ khí hiện đại dựa vào một dây chuyền sản xuất ăn liền. Đúng vậy, bạn có thể chế tạo đạn và pháo, nhưng ngay cả ở cấp độ không quá phức tạp, thậm chí ở cấp độ khiêm tốn như NLAW (vũ khí chống tăng), thì sẽ mất vài năm để lấy lại nguồn cung ban đầu của chúng ta”.
Trong đạo luật chiến tranh gần đây để hỗ trợ Ukraine, Quốc hội Mỹ đã trích lập thêm 9 tỉ USD để thay thế kho dự trữ chiến tranh của Mỹ, điều đó cho thấy chi phí sản xuất và lạm phát đã tăng gần gấp đôi chi phí dự trù. Raytheon đã có một hợp đồng tiếp tế mới trị giá 634 triệu USD để tái cung cấp tên lửa Stinger, nhưng Raytheon chỉ ra rằng họ không thể bắt đầu thực hiện trước năm sau.
Tại Mỹ, các công ty quốc phòng lớn như Raytheon và Lockheed đang gặp khó khăn nghiêm trọng trong việc tiếp tế cho quân đội. Mỹ đã gửi hơn 1/3 kho dự trữ tên lửa Stinger và Javelin cho Ukraine. Khi chiến tranh tiếp tục, không hề vô lý khi nghĩ rằng khoảng một nửa số vũ khí chiến tranh sẽ được sử dụng.
Khi Mỹ đẩy càng nhiều vũ khí sang Ukraine trong cuộc chiến ủy nhiệm với Nga, các hạng mục cung cấp quân sự quan trọng sẽ càng bị ảnh hưởng.