Kỹ thuật mới giúp tái sinh phôi cá đông lạnh

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 21:03, 14/07/2017

Sử dụng tia laser, vàng và chất chống đông, các nhà khoa học đã thành công trong việc bảo quản phôi cá ngựa vằn đông lạnh.
Cá ngựa vằn

Kỹ thuật mới này được cho là sẽ giúp các nhà khoa học bảo tồn phôi của các loài cá sắp tuyệt chủng, hoặc của những loài cá biến đổi gen mà các nhà khoa học dùng để nghiên cứu bệnh ở người.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn đang cố ổn định công nghệ mới này để các phôi có thể sống sót tốt hơn khi thực hiện quá trình lưu trữ này.

Nhiều năm nay, con người đã bắt đầu bảo quản lạnh phôi, trứng, tinh trùng cho mục đích duy trì nòi giống hoặc chữa trị hiếm muộn ở người. Chúng ta đã bắt đầu bảo quản lạnh tinh trùng từ những năm 1950, và phôi người từ những năm 1980.

Tuy nhiên, 60 năm qua, các nhà khoa học gần như "bó tay" trong việc bảo quản phôi cá bằng cách đông lạnh. Do sự nóng lên của đại dương và acid hóa nước biển, các loài cá đang bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng hơn, vì vậy vấn đề bảo tồn nguồn gen các loài động vật biển lại trở nên cấp thiết hơn.

Vấn đề là nếu chúng ta đông lạnh một phôi động vật rồi đảo ngược quá trình để phát triển nó thành một sinh vật sống, bạn không thể chỉ đưa nó vào tủ đá rồi rã đông bằng lò vi sóng. Chúng ta cần có một quá trình cấp đông và cấp rã đông nhanh chóng để giúp phôi vẫn còn tồn tại dù bị đóng băng trong thời gian dài.

Độ khó của việc rã đông phôi cá lại cao hơn khi nhìn chung chúng khó được làm nóng theo cách thông thường mà các nhà khoa học đang áp dụng cho phôi người hoặc phôi của các loài thú có vú.

Vì vậy, nhóm nghiên cứu của Đại học Minnesota do ông John Bischof dẫn đầu đã phát triển một phương pháp rã đông mới.

Đầu tiên, trước khi cấp đông phôi của loài cá ngựa vằn, các nhà nghiên cứu tiêm vào mẫu phôi hỗn hợp gồm các hạt vàng và chất chống đông. Sau đó, các nhà khoa học dùng tia laser để làm nóng các phôi cá đông lạnh đang ngậm đầy dung dịch vàng.

Chùm tia laser làm nóng những hạt vàng, làm ấm phôi từ bên trong ra, theo báo cáo khoa học đăng trên tạp chí ACS Nano.

Có thể nói đây là một kỹ thuật làm nóng mới. Những hạt vàng nano và chất chống đông không gây ra khuyết tật cho loài cá ngựa vằn sau khi chúng được hồi sinh bằng cách này - ở những phôi may mắn sống sót.

Kỹ thuật mới này trên thực tế còn nhiều hạn chế khi số lượng phôi chết sau rã đông quá lớn. Cụ thể, 2/3 số phôi chết trong 1 giờ sau khi rã đông. Và 90% số phôi chết 1 ngày sau khi được rã đông.

Dù vậy, phương pháp này vẫn là bước tiến đáng kể khi các phương pháp đông lạnh và rã đông phôi cá trước đây đều cho kết quả là tỷ lệ sống sót của phôi bằng 0%.

Với việc vẫn còn 10% phôi khỏe mạnh, kỹ thuật mới này có thể giúp các nhà khoa học bảo vệ được nhiều loài sinh vật biển đang có nguy cơ tuyệt diệt.

Ái Vi