Làm sao giữ được tính Liêm chính khoa học?

Góc bình luận - Ngày đăng : 12:49, 17/07/2022

Tính liêm chính khoa học là một giá trị đạo đức rất cốt lõi của hoạt động học hỏi, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Hội đồng Giáo sư Nhà nước có công văn đề nghị Hội đồng giáo sư các cấp thẩm định kỹ hồ sơ các ứng ứng viên, nhất là hồ sơ có ý kiến phản biện của xã hội. Tính liêm chính khoa học được nêu lên như một tiêu chuẩn quan trọng (Vietnamnet, ngày 1.7.2022)

Tính liêm chính khoa học là một giá trị đạo đức rất cốt lõi của hoạt động học hỏi, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Tôi không biết Hội đồng giáo sư Nhà nước hiểu tính liêm chính khoa học như thế nào.

Theo quan điểm chung, ta có thể hiểu tính Liêm chính khoa học như trường Đại học Wollongong phát biểu trên trang website của trường:

“Tại trường đại học Wollonggong (UOW), chúng tôi hiểu Liêm chính khoa học không chỉ là vấn đề của sinh viên. Chúng tôi công nhận Liêm chính khoa học là điều căn bản cho mọi công trình khoa học của giới học hàn lâm gầm sinh viên, thầy giáo, nhà nghiên cứu, các nhân viên điều phối và hành chánh” (người viết dịch) (1)

Để bảo đảm tính Liêm chính khoa học, người ta phải chống lại mọi thái độ, hành vi Không lương thiện khoa học.

Những thái độ, hành vi dưới đây được coi là Không lương thiện khoa học (2):

1. Đạo văn (plagiarism): Nộp, công bố công trình khoa học mình không là tác giả. Trích dẫn từ người khác không đưa tên người và tên công trình được trích dẫn.

2. Dùng lại và/hay nộp lại công trình đã công bố (recycling/resubmitting work) mà không thông báo rõ ràng, đầy đủ

3. Chế tạo thông tin (fabricating information): trên đề tài đang nghiên cứu, đưa ra các dẫn chứng, số liệu không có thực, do chế ra.

4. Gian lận thi cử (Exam cheating), biểu hiện vi phạm dễ thấy nhất là mang tài liệu cấm vào phòng thi, không tuân thủ quy trình, quy định thi cử.

Các bạn có nghĩ môi trường nghiên cứu và hoạt động đại học Việt Nam có thể chống lại hay kiểm soát một cách có thể tạm chấp nhận được các thái độ, hành vi Không lương thiện khoa học nêu trên không? Nếu không chống được các thái độ, hành vi kia thì làm sao bảo vệ được tính Liêm chính khoa học?

daovan.jpg
Nhiều ý kiến cho rằng những người làm khoa học ở Việt Nam còn đang rất dễ dãi với nhau, từ cấp cử nhân cho tới các ứng viên GS, PGS - Ảnh: Internet

Trong xã hội Việt Nam, có nhiều trường hợp đạo văn không? Có nhiều trường hợp chế tạo thông tin khoa học không?

Riêng về gian lận thi cử thì chắc nhiều người còn nhớ những vụ phao thi trắng trường thi mùa thi này qua mùa thi khác. Khi công cụ điện tử được dùng nhiều, hiện tượng phao thi giảm bớt thì những vụ gian lận thi cử ở cấp tỉnh xảy ra trên hàng loạt tỉnh miền Bắc, có sự tham gia của hệ thống chịu trách nhiệm thi cử, và việc gian lận này xảy ra không chỉ trong một mùa thi… Có không người vi phạm nội quy thi cử được dung thứ để leo lên vị trí cao và rất cao?

Chúng ta thấy, điều căn bản cần thiết nhất bảo vệ và xiển dương tính Liêm chính khoa học là tính Trung thực. Đây là giá trị đạo đức rất cốt lõi, có thể nói là giá trị căn bản nhất vì nó gắn kết các thành viên trong xã hội. Chính vị vậy giá trị Trung thực phải được bảo vệ như bảo vệ bộ não của mình. Nó cao hơn hết thảy mọi kết nối bè nhóm, đảng phái… Thật lòng mà tự vấn, xã hội chúng ta có đặt tính Trung thực cao hơn các liên kết bè phái không? Có vì bè phái của mình mà xâm phạm tính Trung thực của xã hội không?

Giá trị cốt lõi có được giữ gìn và xiển dương hay không là do cấp cao nhất, câu nói của kinh nghiệm quản trị đạo đức cốt lõi được Việt Nam áp dụng mấy phần? Trong một xã hội mà giá trị Trung thực bị xem nhẹ, người ta có thể hy vọng rằng xã hội đó giữ được Liêm chính khoa học không?

Ngày 11.7.2022

Lê Học Lãnh Vân

Tài liệu tham khảo

https://www.uow.edu.au/about/governance/academic-integrity/teachers/importance/

https://www.teqsa.gov.au/what-academic-integrity

https://www.sydney.edu.au/students/academic-dishonesty.html

Lê Học Lãnh Vân