Độ nhớt của máu liên quan nguy cơ tử vong do COVID-19 cao hay thấp
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:46, 19/07/2022
Độ nhớt của máu do hồng cầu và thành phần protein trong huyết tương quyết định. Đo độ nhớt của máu rất có giá trị trong đánh giá các bệnh lý huyết khối.
Độ nhớt của máu gấp 4-6 lần độ nhớt của nước, phụ thuộc vào số lượng hồng cầu. Nếu độ nhớt máu tăng sẽ làm cho máu không thể chảy được tự do trong động mạch, giảm lưu lượng máu đến các cơ quan như tim, thận, não,... Độ nhớt của máu có liên quan đến nhiều bệnh lý phối hợp với biến chứng huyết khối.
Các nhà nghiên cứu cho biết, các phát hiện chỉ ra rằng việc đo độ nhớt của máu (hoặc độ đặc của máu) nên là một phần thường xuyên trong quá trình điều trị y tế những bệnh nhân COVID-19 này.
Độ nhớt của máu cao làm suy yếu dòng chảy đến các mạch nhỏ và làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, các nhà nghiên cứu lưu ý trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American College of Cardiology.
Theo dữ liệu trên 5.621 bệnh nhân COVID-19 được điều trị tại 6 bệnh viện trong khu vực thành phố New York (Mỹ) từ tháng 2.2020 đến tháng 11.2021, người có độ nhớt của máu cao có tỷ lệ tử vong cao hơn từ 38% đến 60% so với những ai có độ nhớt máu thấp.
Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng viêm liên quan đến COVID-19 có thể góp phần vào độ nhớt máu cao, nên có thể dẫn đến tổn thương niêm mạc mạch máu và tắc nghẽn động mạch.
Tiến sĩ Robert Rosenson thuộc Hệ thống Y tế Mount Sinai (Mỹ) nói: “Nghiên cứu này cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm tra độ nhớt máu ở những bệnh nhân COVID-19 khi nhập viện”.
Nhóm của ông kêu gọi các nghiên cứu sâu hơn để xem liệu các biện pháp làm giảm độ nhớt của máu, chẳng hạn điều trị bằng thuốc làm loãng máu, có hữu ích hay không.
Tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 tăng cường và phòng cúm cùng nhau
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện ra rằng những người được tiêm phòng cúm cùng lúc với liều vắc xin COVID-19 tăng cường mRNA báo cáo tác dụng phụ cao hơn một chút so với những ai chỉ tiêm mũi vắc xin COVID-19 tăng cường.
Các nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra việc tiêm phòng cúm và vắc xin COVID-19 cùng lúc không làm cả hai loại này kém hiệu quả hơn và có thể thuận tiện hơn.
Như đã báo cáo trên Tạp chí JAMA Network Open, các nhà nghiên cứu theo dõi 981.099 thanh thiếu niên và người lớn Mỹ tiêm mũi vắc xin tăng cường COVID-19 có hoặc không tiêm phòng cúm vào tháng 9 hoặc tháng 10.2021.
Trong tuần tiếp theo, những người tham gia nghiên cứu báo cáo về phản ứng toàn thân như mệt mỏi, đau đầu hoặc đau nhức cơ thể cao hơn 8% ở những ai tiêm đồng thời vắc xin cúm và mũi vắc xin Pfizer-BioNTech tăng cường; cao hơn 11% ở những người tiêm vắc xin cúm và mũi vắc xin Moderna tăng cường, so với nguy cơ ở những ai chỉ tiêm mũi vắc xin mRNA tăng cường.
“Dựa trên kết quả, các bác sĩ lâm sàng có thể tự tin thông báo cho bệnh nhân rằng việc sử dụng đồng thời vắc xin COVID-19 tăng cường cùng vắc xin cúm theo mùa đều an toàn và chỉ làm tăng nhẹ các tác dụng phụ so với chỉ tiêm vắc xin COVID-19 tăng cường", một nhóm nghiên cứu riêng viết trong một bài kèm theo.
Trẻ em bị dị ứng vắc xin vẫn có thể tiêm vắc xin COVID-19 của Pfizer
Theo các nhà nghiên cứu miễn dịch học, vắc xin COVID-19 của Pfizer có thể được tiêm an toàn cho trẻ em ngay cả sau khi nghi ngờ có phản ứng dị ứng với liều đầu tiên hoặc nghi ngờ dị ứng với các thành phần vắc xin như polyethylene glycol (PEG) hoặc polysorbate.
Các nhà dị ứng học khác trước đây báo cáo mũi vắc xin thứ hai có thể được tiêm cho người lớn có phản ứng nghi ngờ với liều đầu tiên.
Kết quả nghiên cứu liên quan đến một số lượng nhỏ trẻ em đã được công bố trên Tạp chí Allergy and Clinical Immunology: In Practice.
Tại một phòng khám chuyên khoa vắc xin, 9 trẻ em được đánh giá sau khi có phản ứng dị ứng với liều vắc xin Pfizer đầu tiên, trong đó có ba bé bị sốc phản vệ có thể đe dọa tính mạng.
Tất cả 9 trẻ em, bao gồm cả một đứa trẻ đã được chỉ định trước, cuối cùng đã nhận liều vắc xin Pfizer thứ hai "với ít hoặc không có triệu chứng", các nhà nghiên cứu cho biết.
Ba đứa trẻ khác có tiền sử phản ứng với PEG/polysorbate tiềm ẩn đã chọn tiêm vắc xin Pfizer tại phòng khám và dung nạp cả hai liều mà không có triệu chứng dị ứng.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Joel Brooks của Bệnh viện Nhi đồng Quốc gia ở Washington (Mỹ), cho biết: “Bất kỳ đứa trẻ nào có khả năng bị sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin Pfizer đều nên được đánh giá. Lợi ích và nguy cơ phải được cân nhắc cẩn thận trước khi tiêm liều thứ hai. Tuy nhiên, chúng tôi đã chứng minh rằng với nghiên cứu này, hầu hết phản ứng dị ứng ban đầu không đáp ứng các tiêu chí của sốc phản vệ và những người tham gia của chúng tôi có thể dung nạp liều vắc xin thứ hai".