Rùa biển có thể dự báo bão

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:48, 19/07/2022

Ở vùng tây nam Ấn Độ Dương, rùa biển được gắn thẻ cảm biến đang giúp giới khoa học lấp đầy khoảng trống dữ liệu mà họ cần để dự báo bão nhiệt đới.

Bão nhiệt đới xuất hiện với rất ít dấu hiệu cảnh báo và di chuyển khắp các đại dương nên rất khó dự đoán, ngay cả khi có dữ liệu tốt. 5 năm trước, Olivier Bousquet - hiện là giám đốc nghiên cứu, làm việc cho Bộ Phát triển bền vững Pháp - nhận nhiệm vụ dự báo cường độ lẫn đường đi của bão ở vùng tây nam Ấn Độ Dương.

Dự báo bão là yêu cầu cấp thiết. Vùng này mỗi năm có 9 - 10 cơn bão, cường độ bão càng ngày càng mạnh. Bão Idai năm 2019 giết chết hơn 1.000 người ở Mozambique và bão Gafilo năm 2014 giết chết 350 người ở Madagascar.

Không như các vùng biển khác như bắc Đại Tây Dương nơi có máy bay không người lái theo dõi thời tiết của Cơ quan Khí quyển - Đại dương quốc gia Mỹ hoạt động, ông Bousquet gần như không có dữ liệu gì cho công việc. Có vệ tinh phục vụ công tác theo dõi mặt biển nhưng chúng thường chỉ lấy dữ liệu dọc bờ biển và bị mây che tầm nhìn, ngoài ra chỉ số ít phao nổi thu thập thông tin nhiệt độ, độ sâu, độ mặn ở nơi ông Bousquet cần. Vì vậy nhà khoa học này phải tìm nguồn dữ liệu mới.

Vài thập niên qua giới khoa học đã biết sử dụng động vật được gắn thẻ định vị vệ tinh thu thập dữ liệu đại dương. Chẳng hạn như ở ngoài khơi Nam cực, hải tượng phương nam giúp thu thập hầu hết dữ liệu cơ bản về nhiệt độ và độ mặn của khu vực đó.

Nhưng ở tây nam Ấn Độ Dương không có hải tượng. Ban đầu Bousquet thử dùng chim biển như các loài chim nhiệt đới cùng hải âu, tuy nhiên chúng quá nhẹ để mang cảm biến. Vì vậy ông tìm đến động vật khỏe mạnh hơn: rùa biển.

Rùa biển mang được gắn thẻ định vị nặng 250gr, di chuyển được hàng nghìn cây số mỗi năm, luôn quay lại bãi biển nơi chúng sinh ra. Bản năng “quay về nhà” của rùa cho phép các nhà khoa học dễ dàng lấy dữ liệu đầy đủ của cảm biến thay vì chỉ thu về thông tin tóm tắt mà thẻ gửi qua vệ tinh lúc rùa di chuyển.

Rùa biển còn là ứng viên xuất sắc vì một lý do khác. Năng lượng cung cấp cho bão nhiệt đớt chủ yếu đến từ biển, để dự đoán liệu bão có mạnh lên hay không cần nắm rõ tình hình ở độ sâu 25 - 200 mét dưới mặt biển nơi rùa dành phần lớn thời gian bơi lội. Do đó thông tin do động vật này cung cấp rất có ích cho công tác dự báo.

Theo ông Bousquet, một mạng lưới rùa dày đặc thu thập dữ liệu qua thời gian dài còn có thể giúp giới khoa học theo dõi cấu trúc đại dương thay đổi thế nào.

ruturtle.jpg
Rùa biển là ứng viên xuất sắc cho công tác thu thập dữ liệu phục vụ dự báo bão - Ảnh: PopSci

Từ tháng 1.2019, ông Bousquet hợp tác với đài quan sát rùa biển Kélonia trên đảo Réunion thả 15 cá thể rùa được gắn thẻ. Con rùa đầu tiên trở về tự nhiên là Ilona.

Thẻ gắn trên Ilona trong 3 tuần gửi thông tin qua vệ tinh 20 - 50 lần/ngày như ông Bousquet kỳ vọng. Nhưng khi con rùa đến Madagascar thì tín hiệu ngừng tại chỗ, ông Bousquet thuê một tổ chức phi chính phủ địa phương để điều tra. Họ tìm thấy thẻ vẫn đang phát sóng nhưng bị mắc kẹt vào một cái mai trống rỗng. Ilona đã bị ăn thịt.

Ông Bousquet bị sốc, tuy vậy hành trình 3 tuần của Ilona đem lại rất nhiều dữ liệu. Kết quả thực hiện ban đầu thu hút Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp, chương trình nghiên cứu đại dương liên khu vực của Liên minh châu Âu (EU) và Trường đại học đảo Réunion. Nay dự án mang tên STORM có hơn 20 đối tác và dùng đến nhiều loài rùa hơn. Nhiều nhà khoa học làm việc tại các vùng nhiệt đới liên hệ với ông Bousquet để tìm cách mở rộng dự án đến khu vực của họ.

Nhà sinh vật Clive McMahon thuộc Viện Khoa học biển Sydney - người đi đầu trong sử dụng động vật thu thập dữ liệu hải dương học - gần đây đã gắn thẻ cho 20 con rùa biển, theo cách ông Bousquet đang thực hiện.

STORM tiếp tục phát triển trong năm nay. Từ tháng 1 đến tháng 3.2022 nhóm của ông Bousquet thả thêm 80 con rùa từ 10 điểm khu vực tây nam Ấn Độ Dương.

Cẩm Bình