Người dân vã mồ hôi nhìn hóa đơn tiền điện tháng hè tăng gấp 2-3 lần
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 06:37, 20/07/2022
Hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt
Chị Minh Vân (Hoàng Mai, Hà Nội) vừa nhận được hoá đơn tiền điện tháng 6.2022, với số tiền phải trả là 2,8 triệu đồng, trong khi bình thường mỗi tháng nhà chị Vân chỉ dùng hết khoảng 700.000 - 800.000 đồng tiền điện.
Theo chị, từ đầu tháng 5 đến nay, tiền điện bắt đầu tăng mạnh do nắng nóng gay gắt kéo dài, cộng thêm việc hai đứa con được nghỉ hè, sử dụng nhiều thiết bị điện như: điều hoà, tivi, tủ lạnh... nên chị nghĩ tiền điện sẽ tăng. "Song tôi vẫn không khỏi sốc khi tiền điện tôi phải trả tháng 6 tăng gấp 2 - 3 lần so với các tháng trước đó", chị Vân thở dài nói.
Tương tự, theo anh Bùi Minh (Cầu Giấy, Hà Nội), bình thường, gia đình anh chỉ dùng hết khoảng 500.000 - 700.000 đồng/tháng tiền điện. Tháng vừa rồi nắng nóng nhiều nên dùng điều hòa nhiều hơn, tiền điện tăng lên hơn 700.000 đồng. Số tiền đã tăng gấp hơn 2 lần so với những tháng trước đó, song anh Minh vẫn không khỏi bất ngờ.
Nhiều hộ gia đình khác cũng cho biết hóa đơn tiền điện tháng 6 đều tăng gấp 2 - 3, thậm chí là 4 lần so với những tháng trước đó.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, việc tiêu thụ điện của nhiều hộ gia đình tăng cao là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát như điều hòa không khí tăng mạnh, dẫn đến tiền điện tăng.
Ông Trần Đình Long - Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam phân tích, nắng nóng là một nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ điện tăng cao, bên cạnh đó còn có nguyên nhân từ việc ngành Điện đang áp dụng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc thang.
Hiện, giá bán điện được EVN tính theo biểu giá bậc thang 6 bậc với cách tính lũy tiến, cách tính này đã không còn phù hợp. Người dùng ở hai bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp; dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn và nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh trả tiền cao nhất. Nhưng xét ở mức chênh lệch giá giữa các bậc thì bậc 1 và 2 chênh nhau 56 đồng một kWh, còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. Mức tính tiền điện lũy tiến của EVN hiện hành cũng không tương ứng với hiện trạng sử dụng điện, khi bước nhảy giá giữa các bậc chưa hợp lý.
Tiêu thụ điện cao kỷ lục vì nắng nóng
Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, vào trưa ngày 18.7, công suất tiêu thụ điện của miền Bắc đã lập mức đỉnh mới là 22.800 MW - cao hơn tới khoảng 4200 MW so với cùng kỳ 2021 (tương đương 22,6%) và cũng cao hơn 500 MW so với mức kỷ lục gần đây nhất là vào ngày 21.6 vừa qua.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện miền Bắc tăng rất cao do nắng nóng gay gắt kéo dài thì nguồn phát điện cũng gặp khó khăn, một số tổ máy nhiệt điện bị sự cố như: Cẩm Phả, Thăng Long, Quảng Ninh, Ninh Bình, Mông Dương 2 với tổng công suất không phát điện được tương ứng khoảng 1555 MW.
Ngoài ra, thời tiết nắng nóng kéo dài cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm. Đối với các hộ gia đình, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến tình trạng hoạt động và suy giảm hiệu suất của các thiết bị điện. Ngay việc sử dụng điện trong sinh hoạt thì nguy cơ quá tải, sự cố, nhảy aptomat, thậm chí nguy cơ gây cháy nổ vào những ngày nắng nóng cao điểm cũng sẽ tăng cao so với bình thường.
Để hạn chế nguy cơ xảy ra sự cố cục bộ trên lưới điện cũng như nguy cơ cháy nổ trong gia đình và để đảm bảo cân đối được cung cầu điện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề nghị người dân, các cơ quan công sở và nơi sản xuất cần chú ý sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, đặc biệt vào các giờ cao điểm trưa và tối, cụ thể là buổi trưa từ 11 giờ 30 phút đến 14 giờ 30 phút, buổi tối từ 20 giờ đến 22 giờ. Đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và chú ý không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn.
"Trong bối cảnh giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện từ đầu năm đến nay tăng rất cao (như than, khí, dầu ….) thì việc sử dụng điện tiết kiệm lại càng rất cần thiết và hết sức có ý nghĩa, góp phần giảm bớt chi phí cho hệ thống điện quốc gia", đại diện EVN cho hay.
Cách sử dụng điều hòa để hóa đơn tiền điện không tăng đột biến
Mùa hè đang tới, nhu cầu sử dụng điều hòa sẽ tăng nhanh. Việc sử dụng điều hòa hợp lý sẽ giúp tiết kiệm hóa đơn tiền điện hàng tháng.
Vào những ngày nắng nóng cao điểm của mùa hè, mọi người sẽ sử dụng điều hòa trong thời gian khá dài, đồng nghĩa với việc tiêu thụ lượng lớn điện năng. Giới chuyên gia cho biết, một chiếc điều hòa có thế chiếm tới hơn 30% - 60% tổng điện năng tiêu thụ trong gia đình. Việc lựa chọn những sản phẩm tiết kiệm điện mà vẫn đảm bảo hiệu quả làm mát là ưu tiên của rất nhiều người.
Đầu tiên cần phải chọn điều hòa không khí có công suất phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Công suất của máy phụ thuộc vào diện tích, độ kín của phòng, ví dụ: diện tích phòng dưới 15m2 dùng điều hòa công suất 9000 BTU, phòng 15m2-25m2 sẽ dùng điều hòa công suất 12000 BTU, phòng 25m2-35m2 sẽ dùng điều hòa công suất 18000 BTU. Ưu tiên dùng những thiết bị có công nghệ inverter, mắt thần thông minh, công nghệ ECO, tính năng kháng khuẩn...
Việc sử dụng điều hòa đúng cách, hiệu quả sẽ giúp đảm bảo sức khỏe và tiết kiệm điện năng, bảo vệ môi trường. Theo các chuyên gia, cần lắp đặt giàn nóng của điều hòa ở vị trí phù hợp, nên chọn nơi có mái che và tránh bị ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp, dàn nóng khi lắp cần cách tường khoảng 15cm để thoát khí nóng ra được; phía trước quạt dàn nóng không được có vật cản ở khoảng cách nhỏ hơn 1,5m sẽ giúp tiết kiệm 5-10% điện tiêu thụ.
Tắt điều hòa khi không sử dụng, lắp đặt quạt thông gió phù hợp, ra vào phòng điều hòa phải đóng cửa. Không sử dụng thiết bị có nguồn nhiệt trong phòng chạy điều hòa như bàn là, máy sấy tóc. Khi bật điều hòa nên sử dụng thêm quạt gió, sẽ giúp lưu thông không khí trong phòng vì quạt gió giúp tăng cường tác dụng đẩy luồng khí nóng lên trên, đưa luồng khí lạnh xuống dưới, tạo ra hiệu ứng gió mạnh. Đồng thời, sử dụng quạt gió sẽ tránh cảm giác khô da, niêm mạc mũi, bảo vệ sức khỏe của người sử dụng.
Tránh để nhiệt độ trong quá chênh lệch so với ngoài trời. Mức nhiệt hợp lý là 25-26 độ C vào ban ngày và 27-28 độ C vào ban đêm. Tăng nhiệt độ lên một độ C sẽ giúp tiết kiệm được hơn 3% điện năng. Tránh tắt bật điều hòa liên tục, bởi điều này sẽ khiến máy phải khởi động lại nhiều lần, gây tiêu tốn nhiều điện năng, giảm tuổi thọ của điều hòa.