Hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số dùng Facebook, TikTok để thu hút du lịch
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 17:30, 19/07/2022
Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam vừa phối hợp với Helvetas Việt Nam tổ chức khóa tập huấn chuyên sâu về marketing du lịch sinh thái cho một số cộng đồng dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh miền trung.
Đây là hoạt động thuộc Dự án "Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học" (VFBC) do USAID tài trợ, Helvetas Việt Nam phối hợp với một số đối tác thực hiện nhằm cải thiện sinh kế cho các cộng đồng dân cư sống tại vùng đệm các khu bảo tồn quốc gia, khu bảo tồn và khu dự trữ thiên nhiên.
Thông qua khóa tập huấn này, các học viên là người dân tộc thiểu số đã được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để có thể tự quảng bá cho các dịch vụ du lịch sinh thái của địa phương mình.
Các chuyên gia không chỉ cung cấp cho học viên các kiến thức chung về marketing du lịch mà còn hướng dẫn thực hành tại chỗ các kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, chỉnh sửa và dựng phim bằng phần mềm trên diện thoại di động, viết nội dung và đăng tải lên các nền tảng như Facebook, TikTok...
Helvetas Việt Nam cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động kết nối doanh nghiệp và các khóa tập huấn cho cộng đồng tham gia làm du lịch tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam về kỹ năng hướng dẫn du lịch tại chỗ, các dịch vụ và kỹ năng phục vụ homestay, kỹ năng tổ chức lửa trại, kỹ năng phục vụ và đảm bảo an toàn trong các tour du lịch sinh tồn chinh phục suối, thác, hang động… nhằm góp phần thúc đẩy phát triển các chuỗi du lịch sinh thái cho khu vực này và cải thiện sinh kế cho các cộng đồng sống dựa vào rừng.
Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VBFC) do Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) tài trợ, Helvetas Việt Nam tham gia thực hiện Tiểu hợp phần 6 thuộc Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học tại Lâm Đồng và một số tỉnh miền Trung với mục tiêu tới năm 2026 có 40 cộng đồng được liên kết sản xuất, 9 cộng đồng được gắn kết du lịch sinh thái và gần 8.000 người dân sống phụ thuộc vào rừng được cải thiện sinh kế, giảm thiểu áp lực lên nguồn tài nguyên rừng và đa dạng sinh học.