So sánh tàu sân bay của Trung Quốc, Mỹ và Pháp

Quốc tế - Ngày đăng : 17:51, 20/07/2022

Nhiều công nghệ mới đang tái định hình chiến tranh, nhưng đồng thời trang bị quân sự hiện tại vẫn chứng minh được giá trị. Điều này có thể được thấy rõ qua cuộc chiến tại Ukraine.

Vũ khí chống tăng hiệu quả khiến nhiều người đặt câu hỏi về tương lai xe tăng. Nhưng ngoài chiến trường xe tăng vẫn là mục tiêu khó truy lùng.

Tranh luận tương tự cũng nổ ra ở mặt trận hàng hải với tâm điểm chú ý là tàu sân bay. Có không ít vũ khí hiện đại đủ sức đe dọa tàu sân bay nhưng để nhận định loại khí tài này sẽ “chết” thì hãy còn quá sớm. Lực lượng hải quân nhiều quốc gia lại đang đẩy mạnh đóng tàu sân bay.

Tàu sân bay là đỉnh cao năng lực của hải quân, đem lại ưu thế vượt trội. Tầm hoạt động rộng của loạt máy bay trên tàu khiến nỗ lực tấn công tàu sân bay trở nên khó khăn. Tàu đủ linh hoạt để tham gia tác chiến cho đến thực hiện nhiệm vụ nhân đạo, nhiệm vụ ngoại giao.

Chỉ một số quốc gia có khả năng đóng "siêu tàu sân bay" – thuật ngữ mô tả những tàu khổng lồ mà Mỹ sở hữu thời Chiến tranh Lạnh. Cho đến nay, chỉ có tàu mà Trung Quốc và Pháp đang đóng được xem như siêu tàu sân bay.

sous.jpg
Tàu sân bay lớp Gerald R.Ford - Ảnh: Naval News

Siêu tàu sân bay

Anh, Ấn Độ, Ý, Tây Ban Nha, Nga cũng sở hữu tàu sân bay nhưng chúng nhỏ hơn hoặc khả năng hạn chế hơn.

Không có định nghĩa cụ thể cho siêu tàu sân bay, tuy nhiên, chúng có vài điểm chung sau: có kích thước lớn nhất, vận hành được máy bay cỡ lớn như máy bay cảnh báo sớm, lực lượng không quân của tàu đủ sức cạnh tranh với hầu hết không quân quốc gia khác.

Tiêu chuẩn "vàng" cho siêu tàu sân bay chính là tàu Mỹ. Số tàu sân bay lớp Nimitz đang được thay thế bởi tàu lớp Gerald R.Ford lớn không kém.

Tàu Liêu Ninh đang tập trận ở Hoàng Hải cho thấy kinh nghiệm cùng sự tự tin trong vận hành tàu sân bay ngày càng tăng của Trung Quốc. Nhưng tàu sân bay Type 003 lớp Phúc Kiến mà nước này ra mắt năm nay được xem là chiếc đạt tới trình độ của tàu Mỹ nhất.

Type 003 có kích thước bằng tàu Mỹ dù ngắn hơn đôi chút. Tuy nhiên tàu chỉ trang bị động cơ đẩy (dùng phóng máy bay) thông thường – không thể sánh với động cơ đẩy hạt nhân Mỹ sử dụng. Như vậy trên lý thuyết tàu Mỹ có lợi thế hơn về độ bền.

Vài thiết kế khác của con tàu cũng kém hơn. Type 003 chỉ có 2 hệ thống nâng máy bay và 3 hệ thống phóng máy bay điện từ (EMALS) – làm giảm tốc độ xuất kích của lực lượng không quân. Tàu Mỹ sở hữu 3 hệ thống nâng cùng 4 EMALS.

soworld-super-aircraft-carriers-compared-770x410.jpg
Tàu Phúc Kiến chỉ có 2 hệ thống nâng máy bay và 3 EMALS - Ảnh: Naval News

Hải quân Pháp có kinh nghiệm vận hành tàu sân bay dày dặn như hải quân Mỹ. Chiếc Charles De Gaulle hiện tại là tàu sân bay hạt nhân nhưng nhỏ hơn đáng kể so với tàu Mỹ. Chiếc PA-Ng mà Pháp đang đóng có thể rút ngắn khoảng cách. Tàu này nặng 75.000 tấn và dài 300 mét – chỉ nhỏ hơn Type 003 đôi chút.

Sự ra đời của nhiều vũ khí “sát thủ tàu sân bay” thế hệ mới minh chứng cho vị thế vẫn còn vững chắc của tàu sân bay. Trung Quốc đang phát triển một số tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM) và đang thực hiện thử nghiệm tấn công tàu sân bay (mô hình) trên sa mạc. Nga cũng phát triển tên lửa chống hạm siêu thanh Zircon trong khi vẫn tiếp tục sử dụng ngư lôi hạt nhân Poseidon cùng ASBM Kinzhal.

Cẩm Bình