Bộ trưởng Thái Lan thừa nhận việc chính quyền dùng phần mềm nghe lén và xem tin nhắn ĐTDĐ

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 19:45, 20/07/2022

Một bộ trưởng Thái Lan thừa nhận nước này sử dụng phần mềm giám sát để theo dõi các cá nhân trong các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia hoặc ma túy.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nhóm điều tra tiết lộ rằng ĐTDĐ của những người chỉ trích chính phủ Thái Lan bị hack bằng phần mềm gián điệp Pegasus do công ty NSO Group (Israel) sản xuất.

Chaiwut Thanakamanusorn, Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan, vừa nói tại Quốc hội rằng ông biết chính quyền Thái Lan sử dụng phần mềm gián điệp trong một số trường hợp "hạn chế" nhưng không nói rõ cơ quan chính phủ nào sử dụng nó, chương trình nào được sử dụng hoặc mục tiêu cá nhân nào.

Một số nhóm nhân quyền đã cáo buộc chính phủ Thái Lan liên tiếp sử dụng các định nghĩa rộng rãi về an ninh quốc gia như cái cớ để truy tố hoặc trấn áp hoạt động của những đối thủ chính.

Theo cuộc điều tra chung của iLaw (nhóm nhân quyền Thái Lan), Digital Reach (cơ quan giám sát internet Đông Nam Á) và Citizen Lab (nhóm bảo vệ quyền riêng tư có trụ sở ở thành phố Toronto, Canada), ít nhất 30 nhà hoạt động chính trị ở Thái Lan bị hack bằng phần mềm gián điệp Pegasus từ tháng 10.2020 đến tháng 11.2021.

Hôm 18.7, iLaw cho biết 24 nhà hoạt động chính trị, 3 học giả và 3 thành viên của các nhóm xã hội dân sự bị nhắm mục tiêu trong khoảng thời gian đó, mỗi người bị từ 1 đến 14 vụ hack.

Yingcheep Atchanont, Giám đốc chương trình tại iLaw nằm trong số những người bị hack, cho biết nhóm của ông sẽ điều tra thêm và theo đuổi hành động pháp lý khi biết rõ ai ở Thái Lan đang điều hành Pegasus.

"NSO đã nói rằng họ chỉ bán phần mềm cho các chính phủ và tất cả nạn nhân ở đây đều là những người chỉ trích chính phủ Thái Lan, vì vậy họ được hưởng lợi nhiều nhất", ông Yingcheep Atchanont nói.

Báo cáo của Citizen Lab, tách biệt với iLaw, đã kiểm tra các dấu vết kỹ thuật số để lại trong ĐTDĐ các nạn nhân và xác định việc sử dụng Pegasus ở Thái Lan từ tháng 5.2014.

John Scott-Railton, nhà nghiên cứu của Citizen Lab, nói cuộc điều tra cho thấy Pegasus đang được vận hành ở Thái Lan, với nhiều nạn nhân có khả năng bị hack hơn.

"Những gì chúng tôi phát hiện ra là rất nhiều mục tiêu nhắm vào hàng chục người trong một khung thời gian cụ thể, nhưng sau khi thực hiện điều tra về Pegasus trong hơn một thập kỷ, tôi tin rằng đó là phần nổi của tảng băng", ông John Scott-Railton nói trên một mạng trực tuyến thuyết trình.

Cuộc điều tra diễn ra sau một cảnh báo hàng loạt từ Apple vào tháng 11.2021 cho hàng ngàn người dùng iPhone của hãng, bao gồm cả ở Thái Lan, rằng họ là mục tiêu của "những kẻ tấn công được nhà nước bảo trợ".

Chaiwut Thanakamanusorn không nêu tên Pegasus nhưng nói rằng ông biết phần mềm gián điệp đang được sử dụng để "nghe hoặc truy cập vào ĐTDĐ để xem màn hình, theo dõi các cuộc trò chuyện và tin nhắn". Thế nhưng, ông nói thêm rằng Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan không có thẩm quyền hợp pháp để sử dụng phần mềm đó và không chỉ rõ cơ quan chính phủ nào thực hiện.

Chaiwut Thanakamanusorn tiết lộ: "Nó được sử dụng cho các vấn đề an ninh quốc gia hoặc ma túy. Nếu cần bắt một kẻ buôn bán ma túy, bạn phải lắng nghe để tìm ra nơi cất giấu. Tôi hiểu rằng đã có việc sử dụng loại này nhưng nó rất hạn chế và chỉ trong những trường hợp đặc biệt".

Bộ của ông trước đây đã phủ nhận bất kỳ sự hiểu biết nào về vấn đề này.

Vụ sử dụng phần mềm gián điệp bị cáo buộc gần đây nhất xảy ra sau khi xuất hiện một phong trào do thanh niên lãnh đạo vào cuối năm 2020, thách thức chế độ quân chủ hùng mạnh và chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Hơn 1.800 người đã phải đối mặt với các cáo buộc liên quan đến an ninh kể từ khi phong trào bắt đầu.

Cảnh sát Thái Lan trong một tuyên bố đã phủ nhận việc sử dụng Pegasus để giám sát hoặc vi phạm quyền riêng tư.

Pegasus đã được các chính phủ sử dụng để theo dõi các nhà báo, nhà hoạt động và những người bất đồng chính kiến ​​và công ty NSO Group (Israel) đứng sau. NSO Group bị Apple kiện và Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại.

bo-truong-thua-nhan-chinh-phu-thai-lan-dung-phan-mem-gian-diep-nghe-len-xem-tin-nhan-dtdd.jpg
Bộ trưởng Kinh tế Kỹ thuật số và Xã hội Thái Lan thừa nhận chính phủ dùng phần mềm gián điệp "nghe hoặc truy cập vào ĐTDĐ để xem màn hình, theo dõi các cuộc trò chuyện và tin nhắn" trong các trường hợp liên quan đến an ninh quốc gia hoặc ma túy 

Hôm 2.5.2022, chính phủ Tây Ban Nha thông báo ĐTDĐ của Thủ tướng Pedro Sanchez và Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles của nước này đã bị nghe lén bằng Pegasus trong vụ can thiệp "bất hợp pháp và từ bên ngoài".

Ông Felix Bolanos, Chánh Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha, đã xác nhận thông tin trên và nhấn mạnh: "Đó không phải là một giả định, đó là sự thật... Chúng tôi muốn cơ quan tư pháp tiến hành điều tra".

Felix Bolanos cho biết ĐTDĐ của Thủ tướng Pedro Sanchez bị cài Pegasus vào tháng 5.2021 và ít nhất một vụ rò rỉ dữ liệu đã xảy ra sau đó, trong khi ĐTDĐ của Bộ trưởng Quốc phòng Margarita Robles bị xâm nhập vào tháng 6.2021.

Dù vậy, Felix Bolanos không cho biết ai có thể đã theo dõi Thủ tướng và Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha, hay liệu có bất kỳ thế lực nước ngoài hay nhóm nào tại nước này bị tình nghi đứng sau vụ việc.

Theo Felix Bolanos, các vụ xâm nhập đã khiến một lượng dữ liệu đáng kể bị rò rỉ và báo cáo chi tiết về việc này đã được chuyển đến Tòa án Quốc gia Tây Ban Nha để điều tra thêm.

"Đây là một sự can thiệp bất hợp pháp. Việc này được thực hiện bên ngoài các cơ quan nhà nước và không được pháp luật cho phép", ông nói.

Chính phủ Tây Ban Nha cũng đang chịu áp lực phải giải thích tại sao điện thoại của hơn 60 người có liên quan đến phong trào ly khai Catalonia đã trở thành mục tiêu của Pegasus từ năm 2017 đến 2020.

Sau khi chính phủ của Thủ tướng Pedro Sanchez bị cáo buộc do thám các thành viên của phong trào ly khai Catalonia, đảng ERC với chủ trương ủng hộ xứ Catalonia độc lập cho biết sẽ không ủng hộ chính phủ đến khi họ thực hiện các biện pháp khôi phục lòng tin. ERC là đồng minh chủ chốt của liên minh cầm quyền tại Quốc hội.

Hồi tháng 1.2022, Bộ Ngoại giao Phần Lan cũng cho biết ĐTDĐ của nhiều nhà ngoại giao nước này đã bị Pegasus theo dõi.

Theo truyền thông phương Tây, Pegasus đã được sử dụng để nhắm vào nhiều quan chức cấp cao thuộc Liên minh châu Âu (EU). Hiện vẫn chưa rõ quốc gia nào đã sử dụng Pegasus để thực hiện các cuộc nghe lén này.

NSO Group đã liên tục phủ nhận Pegasus đã được sử dụng để theo dõi các quan chức châu Âu.

Công ty này tuyên bố sẽ hợp tác trong bất kỳ cuộc điều tra nào để xác định xem liệu có xảy ra hành vi lạm dụng sản phẩm của họ hay không.

Cơ quan giám sát bảo vệ dữ liệu của EU đã kêu gọi "cấm cửa" Pegasus trước những cáo buộc rằng phần mềm gián điệp này bị các chính phủ lạm dụng để theo dõi các nhà hoạt động nhân quyền, nhà báo và chính trị gia.

Sơn Vân