Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM có dấu hiệu tăng

Thông tin Y học - Ngày đăng : 19:30, 21/07/2022

Đến thời điểm này, TP.HCM chưa xuất hiện trường hợp mắc cúm A nào, nhưng bệnh sốt xuất huyết đang có dấu hiệu tăng.

Tại cuộc họp báo thông tin về về dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM vào chiều 21.7, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết, tình hình sốt xuất huyết hiện nay tại TP đang rất báo động.

soc-benh-nhan-mac-sot-xuat-huyet-tai-tphcm-tang-gap-26-lan-hinh-anh-1(1).png
Bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố - Ảnh: PV

Hiện số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng lên rất nhanh. Tính đến thời điểm này, số ca mắc sốt xuất huyết tăng đến 2,6 lần, còn số ca nặng tăng đến 3,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong lên đến 13 ca, cao hơn so với cả năm 2021 (9 ca). “Lúc này tình hình dịch bệnh đang nóng nhất tại TP.HCM chính là dịch bệnh sốt xuất huyết, TP đang tập trung phòng chống dịch bệnh này”, ông Tâm nhấn mạnh.

Đối với dịch bệnh COVID-19 theo ông Tâm dù vẫn đang trong tình hình kiểm soát, nhưng trong những ngày gần đây số ca mắc COVID-19 đã tăng nhẹ. Nếu như trong ngày 18.7, TP có thêm 36 ca mắc COVID-19 thì đến ngày 19.7 tăng lên 69 ca, đến ngày 20.7 tăng lên đến 107 ca. Vì vậy dịch bệnh COVID-19 cần phải theo dõi sát sao trong điều kiện đang xuất hiện nhiều biến thể mới.

Ngoài COVID-19 và sốt xuất huyết, ông Tâm cho biết, hiện số ca tay chân miệng ở TP xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái với 9.713 ca nhưng chưa có trường hợp nào tử vong; thủy đậu có 14 ca, giảm mạnh so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 là 121 ca); sốt phát ban nghi sởi có 11 ca, giảm so với cùng kỳ năm 2021 (14 ca). Riêng cúm A, bạch hầu, ho gà và não mô cầu chưa xuất hiện ca mắc nào.

Liên quan đến tình trạng hoại tử xương hàm mặt nghi do mắc COVID-19, bà Lê Thiện Quỳnh Như - Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết Hội đồng chuyên môn Bộ Y tế đã họp và đưa ra kết luận về vấn đề này.

Theo đó, hoại tử xương sọ - mặt là một bệnh lý ít gặp nhưng không phải là một bệnh lạ, có thể xảy ra trên bệnh nhân xạ trị vùng đầu mặt cổ, lạm dụng thuốc chống loãng xương Bisphosphonate, viêm cốt tủy xương hàm do nguyên nhân từ răng và nhiễm trùng máu, chấn thương sọ - mặt, các tình trạng viêm xoang hàm do nấm, do rối loạn chuyển hóa (bệnh Paget)... Vừa qua, Bệnh viện Răng hàm mặt Trung ương TP.HCM và Bệnh viện Chợ Rẫy có ghi nhận 24 ca bệnh hoại tử xương sọ - mặt trên bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19. “Các ca bệnh này liên quan đến thiểu dưỡng cục bộ của xương sọ - mặt và bội nhiễm với nhiều nguyên nhân khác nhau, cần được nghiên cứu thêm”, bà Như nói.

Sở Y tế đề nghị các đơn vị trên địa bàn khi tiếp nhận người bệnh có các triệu chứng liên quan đến bệnh lý cốt tủy viêm xương hàm mặt cần hội chẩn chuyên khoa để sớm nhận diện và kế hoạch điều trị cụ thể.

Trước đó, Sở Y tế đã có công văn yêu cầu các bệnh viện, trung tâm y tế công lập và tư nhân trên địa bàn TP báo cáo nhanh về Sở Y tế khi phát hiện các trường hợp hoại tử xương hàm mặt có liên quan đến người bệnh sau mắc COVID-19. Đồng thời, Sở Y tế đã chuẩn bị tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham gia của các chuyên gia ở các lĩnh vực chuyên khoa có liên quan nhằm có cơ sở đánh giá khách quan, toàn diện về tình trạng hoại tử xương hàm mặt liên quan người bệnh sau mắc COVID-19.

Hồ Quang