Mỹ lo ngại thiết bị Huawei đánh cắp thông tin quân sự

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:26, 22/07/2022

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang điều tra tập đoàn viễn thông Huawei vì lo ngại những tháp mạng di động của Mỹ lắp thiết bị của hãng này thu thập thông tin nhạy cảm từ căn cứ quân sự và hầm chứa tên lửa. Số thông tin này có thể bị chuyển về Trung Quốc.

Theo nguồn tin của Reuters, Bộ Thương mại Mỹ mở cuộc điều tra nêu trên không lâu sau khi Tổng thống Biden nắm quyền đầu năm 2021. Họ tìm hiểu chính sách của Huawei về chia sẻ cho đối tác nước ngoài dữ liệu mà thiết bị hãng này thu thập từ điện thoại di động gồm cả tin nhắn lẫn định vị địa lý. Giới chức Mỹ lo ngại Huawei có thể lấy dữ liệu về hoạt động tập trận, tình trạng sẵn sàng của căn cứ quân sự cũng tình hình nhân sự quân đội.

Bộ Thương mại Mỹ từ chối xác nhận đang điều tra Huawei, nhưng khẳng định bảo vệ an toàn và an ninh của người dân Mỹ trước hoạt động thu thập thông tin ý đồ xấu là việc quan trọng góp phần bảo vệ nền kinh tế lẫn an ninh quốc gia.

Huawei từ chối bình luận. Trước đó tập đoàn nhiều lần phủ nhận cáo buộc theo dõi khách hàng Mỹ tạo ra mối đe dọa an ninh.

hw.jpg
Mỹ luôn lo ngại Huawei - Ảnh: Reuters

Theo 8 quan chức Mỹ đương chức lẫn về hưu, cuộc điều tra nêu trên cho thấy Washington luôn lo ngại về mối đe dọa an ninh quốc gia mà Huawei mang lại.

Nếu xác định Huawei tạo ra mối đe dọa, Bộ Thương mại Mỹ có thể dùng đến quyền hành mới được thiết lập dưới Tổng thống Donald Trump, vượt ra khỏi hạn chế áp đặt bởi Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC).

Cụ thể Bộ Thương mại Mỹ có thể cấm mọi giao dịch với Huawei, yêu cầu các nhà mạng Mỹ vẫn đang dùng thiết bị Huawei nhanh chóng loại bỏ chúng hoặc bị phạt.

Huawei từ lâu đã hứng chịu cáo buộc gián điệp từ giới chức Mỹ. Giám đốc Cục Điều tra liên bang (FBI) Christopher Wray năm 2020 từng cảnh báo: “Nếu công ty Trung Quốc như Huawei được tiếp cận không kiểm soát vào hạ tầng viễn thông của chúng ta, họ có thể thu thập bất cứ thông tin gì truyền qua thiết bị hay mạng của họ. Tệ hơn nữa, họ sẽ giao thông tin cho chính quyền Trung Quốc nếu được yêu cầu”.

Chuyên gia công nghệ Jim Lewis thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) cho biết: “Nếu lắp thiết bị thu vào tháp mạng đi động thì bạn có thể thu được tín hiệu và lấy tin tình báo”.

Theo nguồn tin của Reuters cùng một số ủy viên FCC, tháp mạng di động lắp thiết bị Huawei đặt gần căn cứ quân sự là mối quan tâm đặc biệt. Brendan Carr - một trong 5 ủy viên FCC - lưu ý tháp đặt gần căn cứ không quân Malmstrom ở bang Montana (một trong 3 căn cứ phụ trách giám sát trận địa tên lửa trên lãnh thổ Mỹ) đang dùng công nghệ Huawei.

Trả lời phỏng vấn trong tuần qua, ủy viên Carr khuyến cáo dữ liệu điện thoại mà Huawei thu thập được sẽ tiết lộ hoạt động quân sự. Dữ liệu có thể được dùng như hệ thống cảnh báo sớm cho một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Reuters xác định thêm một số trường hợp ở Nebraska và Wyoming. Quan chức quản lý viễn thông bang Nebraska Crystal Rhoades lo ngại các tháp di động của nhà mạng Viaero đặt gần căn cứ không quân F.E. Warren.

Viaero cung cấp dịch vụ điện thoại di động cùng interner băng thông rộng không dây cho khoảng 110.000 khách hàng trong khu vực. Năm 2018 họ gửi đơn phản đối nỗ lực hạn chế sử dụng thiết bị Huawei của FCC.

Tại Wyoming, nhà mạng Union Wireless thừa nhận phạm vi cung cấp dịch vụ của mình bao quát cả một số hầm chứa ICBM gần căn cứ F.E. Warren. Họ từ chối cho biết số tháp đặt gần căn cứ có lắp thiết bị Huawei hay không.

Cẩm Bình