Thiên thạch va chạm và gây ra vết lõm ‘không thể sửa chữa’ cho kính viễn vọng James Webb

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:00, 22/07/2022

Kể từ khi được phóng vào ngày 25.12.2021, Kính viễn vọng Không gian James Webb (JWST) của NASA đã va chạm với ít nhất 19 thiên thạch nhỏ. Trong đó có một viên gây ra thiệt hại đáng chú ý trên một trong 18 gương mạ vàng của kính.
kinh-2.jpg
Vị trí va chạm xuất hiện dưới dạng một vết lõm màu trắng sáng nằm giữa mặt gương mạ vàng (góc dưới bên phải)

Trong một báo cáo về trạng thái mới được đăng lên cơ sở dữ liệu arXiv.org, các nhà nghiên cứu của NASA đã chia sẻ những hình ảnh đầu tiên cho thấy mức độ thiệt hại đó. Nhìn trên gương C3 ở góc dưới bên phải bức ảnh, vị trí va chạm xuất hiện dưới dạng một vết lõm màu trắng sáng nằm giữa mặt gương mạ vàng.

Báo cáo cho biết vụ va chạm có khả năng xảy ra từ ngày 23.5 đến ngày 25.5, để lại thiệt hại “không thể sửa chữa” cho một phần nhỏ của tấm gương. Tuy nhiên, vết lõm này dường như không hề ngăn cản hoạt động của kính viễn vọng. Trên thực tế, hiệu suất của JWST vượt quá mong đợi trên các phương diện.

Những thiên thạch siêu nhỏ hay vi thiên thạch (micrometeoroid) là một mối đe dọa quá quen thuộc đối với các tàu vũ trụ trong quỹ đạo gần Trái đất. Mạng lưới Giám sát Không gian Mỹ theo dõi hơn 23.000 mảnh vỡ quỹ đạo có kích thước lớn hơn kích thước của một quả bóng mềm, tuy nhiên hàng triệu vật thể gần đó nhỏ hơn và gần như không thể giám sát được.

Chính vì thế, NASA và các cơ quan không gian khác lên kế hoạch đối phó với những tác động không thể tránh khỏi. “Việc này là không thể tránh khỏi, bất kỳ tàu vũ trụ nào cũng sẽ gặp phải các vi thiên thạch”, các chuyên gia cho biết.

kinh-2.png
Một hình ảnh cho thấy thiệt hại đối với mảng gương của JWST - Ảnh: NASA/ESA

Cho đến nay, 6 vi thiên thạch đã để lại những biến dạng đáng chú ý trên gương của JWST, tương đương với một vụ va chạm lớn mỗi tháng kể từ khi kính viễn vọng được phóng. Khi xây dựng JWST, các kỹ sư đã cố ý dùng những vật thể có kích thước như vi thiên thạch đập vào nguyên mẫu gương để kiểm tra xem vụ va chạm ảnh hưởng ra sao đến hoạt động của kính viễn vọng.

Tuy nhiên, điều bất ngờ là kích thước của thiên thạch lớn đã làm lõm gương C3. Tảng đá không gian này dường như lớn hơn so với những gì nhóm đã chuẩn bị. Các nhà nghiên cứu hiện đang cố gắng đánh giá tác động mà các cuộc va chạm tượng tự như thế có thể gây ra đối với JWST.

Một số hình ảnh tuyệt đẹp được chụp bởi kính James Webb

Báo cáo tình trạng mới, chưa được đánh giá ngang hàng, được đưa ra bởi hơn 200 nhà khoa học làm việc tại NASA, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA), Cơ quan Vũ trụ Canada và các các tổ chức khoa học trên thế giới. Bất chấp tác động bất ngờ đối với gương C3, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng James Webb đang hoạt động hoàn hảo sau quá trình vận hành 6 tháng và hứa hẹn mang lại nhiều khám phá mới trong tương lai.

“James Webb được phát triển để mang lại những đột phá trong kho kiến thức của con người về sự hình thành và tiến hóa của các thiên hà, ngôi sao và hệ hành tinh. Giờ chúng tôi biết chắc chắn rằng nó sẽ làm được”, họ nhận định.

Long Hải