Trung Quốc: Nhiệt độ có thể lên 50 độ C, nguy cơ vỡ đập vì sông băng tan chảy
Quốc tế - Ngày đăng : 16:22, 22/07/2022
Nhiệt độ dự kiến sẽ tăng đột biến vào ngày 23.7 ở Trung Quốc, trước khi tích tụ thành các đợt nắng nóng, được định nghĩa là các khoảng thời gian thời tiết nóng bất thường kéo dài từ ba ngày trở lên. Thứ 7 này sẽ là ngày "nhiệt độ lớn" trong niên giám thống kê Trung Quốc dựa trên âm lịch.
Fu Jiaolan, Trưởng dự báo tại Trung tâm Khí tượng Quốc gia, cho biết đợt nắng nóng có phạm vi tương tự như các đợt nắng nóng từ ngày 5-17.7, nhưng nhiều khu vực hơn có thể bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ từ 40 độ C trở lên.
Một số thành phố ở tỉnh Chiết Giang, nơi có nhiều nhà máy và nhà xuất khẩu, hôm 21.7 đã ban hành cảnh báo đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo ba cấp, dự báo nhiệt độ ít nhất 40 độ C trong 24 giờ tới.
Công suất tiêu thụ điện quốc gia có thể đạt mức cao mới trong mùa hè này khi nhu cầu dùng điều hòa không khí của gia đình, văn phòng và nhà máy tăng cao, với việc vận hành an toàn đang phải đối mặt với "các bài kiểm tra nghiêm trọng". Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cảnh báo điều này hôm 22.7.
"Với tất cả các nhà máy ở Trung Quốc và tại Thượng Hải, chúng tôi có những quy định cần phải tuân theo. Mỗi năm chúng tôi đều làm những điều giúp công việc thoải mái hơn, chẳng hạn như cho công nhân ăn kem khi trời quá nóng", Leo Zhang, Chủ tịch của nhà sản xuất sản phẩm hóa chất Sika China, thổ lộ.
Bộ Quản lý Khẩn cấp Trung Quốc cho biết Chiết Giang cùng các khu vực Phúc Kiến, Quảng Đông, Hồ Nam, Giang Tây và thành phố Trùng Khánh cũng có nguy cơ cháy rừng trong thời gian tới.
Tại khu vực Tân Cương, băng tan tăng tốc kéo dài đến ngày 29.7 gây ra rủi ro cho các con sông và đập, Cục Khí tượng Trung Quốc cho biết và đặc biệt cảnh báo nguy cơ vỡ đập cao trên một nhánh của sông Aksu gần biên giới Trung Quốc với Kyrgyzstan.
Chính quyền thông báo đợt thời tiết nắng nóng này sẽ có "mức độ ảnh hưởng nhất định" đến sự tan chảy của băng tuyết trên núi cao.
Cái nóng ở Trung Quốc vào mùa hè này đã được mô tả là cực đoan. Từ ngày 1.6 đến ngày 20.7, các lưu vực sông Hoàng Hà và sông Dương Tử - những trung tâm chính của ngành công nghiệp và thương mại - đã phải hứng chịu ít nhất 10 ngày nhiệt độ cao hơn mức bình thường.
Các đợt nắng nóng cũng đã thiêu đốt những khu vực khác của Đông Á, Tây Âu, Bắc Phi và Bắc Mỹ, làm bùng phát các đám cháy rừng ở nhiều quốc gia.
Các nhà khoa học cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ chỉ làm cho các đợt nắng trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn.
Nhiệt độ cao nhất từng được ghi nhận ở Trung Quốc đang là vấn đề gây tranh cãi. Theo truyền thông Trung Quốc, thời kỳ nóng nhất trong 300 năm qua là vào tháng 7.1743 dưới triều đại nhà Thanh, khi một nhà truyền giáo người Pháp ở Bắc Kinh được cho đã ghi nhận mức nhiệt cao nhất mọi thời đại là 44,4 độ C.
Vào năm 2015, một cổng thông tin địa phương đưa tin 50,3 độ C tại một trạm thời tiết gần Ngải Đinh, hồ nước khô ở vùng Thổ Lỗ Phiên của Tân Cương.
Cơ quan quản lý khí tượng Trung Quốc cho biết nhiệt độ ở ốc đảo thành phố Thổ Lỗ Phiên có thể lên tới 50 độ C vào tuần tới.
Hôm 12.7 vừa qua, một số thành phố tại Trung Quốc đã ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục khi các nhà dự báo cho biết các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ kéo dài vài ngày tới.
Ngày 13.7, Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết nhiệt độ tại thành phố Vô Tích, thuộc tỉnh Giang Tô, có nơi tăng lên 41,3 độ C, mức nhiệt cao nhất từ trước đến tại đây.
Đặc biệt, các thành phố Lô Châu và Nghi Tân (thuộc tỉnh Tứ Xuyên), thành phố Chiêu Thông (thuộc tỉnh Vân Nam), Thiệu Hưng, Ninh Ba, Gia Hưng và Hồ Châu (thuộc tỉnh Chiết Giang), Thường Châu và Vô Tích (thuộc tỉnh Giang Tô) hứng chịu nền nhiệt trong khoảng 40-42 độ C.
Nhiều nơi thuộc các tỉnh Tứ Xuyên, Chiết Giang, Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Bắc, An Huy, cùng với các thành phố Trùng Khánh và Thượng Hải cũng ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ 37-39 độ C.
Video clip được lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy một con kiến đã chết chỉ vài giây sau khi bị bỏ lên vỉa hè ở thành phố Đan Dương, tỉnh Giang Tô, giữa nắng nóng gay gắt.
Theo Thời báo Hoàn Cầu, nhiệt độ trên mặt đất ở thành phố Đan Dương có nơi đã đạt tới 65 độ C vào hôm 14.7.
Ngày 15.7, không khí nóng đã bao trùm nhiều khu vực của Trung Quốc như thành phố Thượng Hải, tỉnh Tứ Xuyên (tây nam Trung Quốc), tỉnh Chiết Giang và Giang Tô (miền đông Trung Quốc)... ảnh hưởng đến hơn 900 triệu dân và hơn một nửa lãnh thổ Trung Quốc.
Nhiều thành phố tại nước này đã chìm trong đợt nắng nóng hơn một tháng và có nơi nhiệt độ tăng vọt lên trên 44 độ C. Những đợt nắng nóng kéo dài đã đe dọa mùa màng và cuộc sống của người dân, đồng thời đẩy mức sử dụng điện của Trung Quốc lên mức cao kỷ lục.
Sun Shao, nhà nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Khí hậu quốc gia trực thuộc Cục Khí tượng Trung Quốc, nói đợt nắng nóng năm 2022 đã đến sớm hơn tại Trung Quốc và nhiệt độ trung bình của tháng 6 đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1873.
Kể từ tháng 6, Trung Quốc đã trải qua thời tiết nóng, với 71 trạm thời tiết quốc gia ghi nhận nhiệt độ phá kỷ lục, trong đó nhiệt độ cao nhất được ghi nhận là 44,2 độ C tại huyện Linh Thọ, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc.
Không chỉ Trung Quốc, các nhà khí tượng cảnh báo biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến các đợt nắng nóng trên toàn cầu kéo dài hơn, cực đoan hơn, thường xuyên hơn và ảnh hưởng đến nhiều người hơn. Điều này sẽ trở thành "bình thường mới".