Dừa miền Tây rớt giá do hàng của Thái Lan không xuất được sang Trung Quốc
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 13:57, 23/07/2022
Lý giải về nguyên nhân giá dừa khô đang giảm thấp như hiện nay, ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trà Vinh cho biết có nhiều nguyên nhân. Báo Trà Vinh dẫn lời ông Giang cho biết có sự cạnh tranh về giá giữa các nước xuất khẩu dừa trong khu vực và trên thế giới đã hạ giá bán để thu hút khách hàng do Thái Lan, Indonesia đang trúng mùa và vào mùa thu hoạch rộ; giá bán trái dừa khô phụ thuộc nhiều vào: cơm dừa, vỏ dừa, nước dừa... Nhưng hiện tại, các sản phẩm phụ phẩm này giá giảm mạnh và gần như không xuất khẩu được do chỉ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang thực hiện chính sách siết chặt quản lý thị trường xuất khẩu với lý do kiểm soát dịch bệnh COVID-19; sản phẩm dừa của Thái Lan hiện chiếm thị phần rất lớn ở thị trường Trung Quốc, nhưng khi Thái Lan không thể xuất khẩu qua Trung Quốc được, nên buộc Thái Lan phải hạ giá bán để tránh tồn đọng. Vì vậy, lượng dừa khô xuất khẩu sang thị trường này giảm gần 80%, điều này đã tác động trực tiếp đến giá dừa tại địa phương.
Các nước như Mỹ, châu Âu đang kiểm soát lạm phát, khống chế tăng giá; do đó, các nhà nhập khẩu dừa tiềm năng cũng sẽ tìm mua sản phẩm với giá thấp. Bên cạnh, giá đầu vào như bao bì, xăng dầu, chi phí vận chuyển ra cảng, thuê container... đều tăng từ 20 - 30% so với trước đây, trong khi giá bán các sản phẩm từ dừa không tăng được thì bắt buộc doanh nghiệp phải hạ giá thu mua.
Theo báo Trà Vinh, toàn tỉnh có khoảng 23.698ha dừa với hơn 6,6 triệu cây dừa; trong đó, diện tích dừa cho trái 20.218ha (chiếm 85% diện tích trồng), năng suất bình quân 15,2 tấn/ha, sản lượng 306.885 tấn tương đương khoảng 256 triệu quả/năm. Trước tình hình giá dừa khô giảm mạnh, ông Trần Trường Giang khuyến cáo nông dân tiếp tục duy trì vườn dừa hiện hữu, vì với giá bán 20.000 đồng/chục (tương đương 1.700 đồng/trái so với giá thành sản xuất (1.200 đồng/trái) thì người dân không lời nhiều) nhưng chưa đến mức lỗ.
Đồng thời, ngành đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường thúc đẩy phát triển liên kết bền vững các chuỗi sản phẩm dừa, hỗ trợ các hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các doanh nghiệp phát triển vùng nguyên liệu dừa tập trung, tăng diện tích trồng dừa theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ gắn với các nhà máy chế biến, kêu gọi đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp ngành dừa đầu tư tại tỉnh.