WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về bệnh đậu mùa khỉ, tương tự COVID-19

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:49, 23/07/2022

Hôm 23.7, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng nhanh chóng thể hiện tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất của cơ quan y tế Liên Hiệp Quốc.

Nhãn của WHO - "tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của quốc tế đáng lo ngại" - được thiết kế để báo động rằng cần có phản ứng quốc tế phối hợp và có thể mở ra nguồn tài trợ cùng nỗ lực toàn cầu để hợp tác chia sẻ vắc xin và phương pháp điều trị.

Theo hai nguồn tin giấu tên nói với Reuters trước đó, các thành viên của một ủy ban chuyên gia gặp nhau hôm 21.7 để thảo luận về khuyến nghị tiềm năng đã bị chia rẽ về quyết định này, nhưng quyết định cuối cùng thuộc về Tổng giám đốc WHO.

Thông báo về quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe trong cuộc họp báo với giới truyền thông ở thành phố Geneva (Thụy Sĩ), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus xác nhận rằng ủy ban đã không đạt được sự đồng thuận, với 9 thành viên phản đối và 6 thành viên ủng hộ tuyên bố.

Trước đây, Tedros Adhanom Ghebreyesus thường tán thành các khuyến nghị của ủy ban chuyên gia, nhưng các nguồn tin cho biết ông có khả năng đã quyết định đưa ra mức cảnh báo cao nhất do lo ngại về tỷ lệ ca bệnh đậu mùa khỉ leo thang và nguồn cung cấp vắc xin cùng phương pháp điều trị thiếu hụt, dù thiếu ý kiến ​​đa số.

Lawrence Gostin, giáo sư Luật Georgetown ở Washington (thủ đô Mỹ) thường theo dõi WHO, cho biết ông hoan nghênh bản lĩnh chính trị của cơ quan này.

"Nó không làm gì khác ngoài việc đánh bóng tầm vóc của WHO. Kết quả đúng là rõ ràng - không ban bố tình trạng khẩn cấp vào thời điểm này sẽ là cơ hội lịch sử bị bỏ lỡ", Lawrence Gostin nói.

Đến nay trong năm 2022, đã có hơn 16.000 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở hơn 75 quốc gia và 5 trường hợp tử vong tại châu Phi.

Bệnh do vi rút lây lan khi tiếp xúc gần và có xu hướng gây ra các triệu chứng giống như cúm cùng các tổn thương da đầy mủ. Vi rút đậu mùa khỉ lây lan chủ yếu ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới trong đợt bùng phát gần đây, bên ngoài châu Phi, nơi bệnh lưu hành trước đó.

Đến nay, nhãn “tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng của quốc tế đáng lo ngại” chỉ được áp dụng cho đại dịch COVID-19 và những nỗ lực không ngừng để loại trừ bệnh bại liệt.

WHO và chính phủ các quốc gia đã phải đối mặt với áp lực lớn từ các nhà khoa học cùng các chuyên gia y tế công cộng để có nhiều hành động hơn với bệnh đậu mùa khỉ.

Các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đã tăng cao kể từ khi ủy ban họp lần đầu tiên vào cuối tháng 6, khi chỉ có khoảng 3.000 ca.

Vào thời điểm đó, nhóm chuyên gia đã đồng ý xem xét lại lập trường của họ về tuyên bố khẩn cấp nếu dịch bệnh đậu mùa khỉ leo thang.

Một trong những vấn đề chính thúc đẩy sự trấn an là liệu các ca bệnh đậu mùa khỉ - hầu như gia tăng ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới - có lây sang các nhóm khác, đặc biệt là trẻ em hoặc những người khác dễ nhiễm vi rút trong các đợt bùng phát trước đây ở các nước lưu hành bệnh này không.

Ủy ban chuyên gia của WHO cho biết bất kỳ thay đổi nào đối với bản thân vi rút đậu mùa khỉ cũng có thể khiến chúng ta phải suy nghĩ lại.

Hiện tại, nhóm này được chia thành những người cho rằng việc tuyên bố khẩn cấp sẽ đẩy nhanh nỗ lực ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ và những người không nghĩ rằng các tiêu chí trên đã được đáp ứng vì căn bệnh này vẫn chưa lây lan sang các nhóm người mới hoặc có tỷ lệ tử vong cao, các nguồn tin cho biết.

who-dua-ra-muc-canh-bao-cao-nhat-ve-dau-mua-khi-tuong-tu-covid-19.jpg
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesu cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng nhanh chóng thể hiện tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu

Hôm 22.7, Mỹ đã ghi nhận được hai ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở trẻ em.

Hai ca nhiễm vi rút đậu mùa khỉ tại Mỹ đã được xác định lần đầu tiên ở trẻ em - một đứa trẻ mới biết đi ở bang California và một bé sơ sinh không phải là cư dân Mỹ.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hai trường hợp này không liên quan và có khả năng là kết quả của sự lây truyền vi rút trong gia đình. CDC thông báo hai đứa trẻ đang trong tình trạng sức khỏe tốt và được điều trị.

Phát biểu trong một cuộc gọi hội nghị, Tiến sĩ Jennifer McQuiston, Phó giám đốc bộ phận các tác nhân gây bệnh và bệnh lý hậu quả cao của CDC, nói không có gì ngạc nhiên khi các trẻ em mắc bệnh đậu mùa khỉ đã xuất hiện, nhưng "không có bằng chứng cho đến nay mà chúng tôi đang thấy vi rút này lây lan ra bên ngoài các cộng đồng đồng tính nam, song tính luyến ái và những người đàn ông khác có quan hệ tình dục đồng giới”.

Bà cho biết 99% trong số 2.891 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ được xác nhận ở Mỹ liên quan đến nam giới quan hệ tình dục đồng giới, nhưng đã có một số ít phụ nữ và nam giới chuyển giới nhiễm bệnh.

Điều phối viên phản ứng COVID-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Ashish Jha, phát biểu trong cùng một cuộc gọi, cho biết chính phủ Mỹ đã giao 300.000 liều vắc xin đậu mùa khỉ và đang làm việc để xúc tiến chuyến hàng 786.000 liều nữa từ Đan Mạch.

Ông nói hiện đã có đủ vắc xin đậu mùa khỉ để cung cấp liều đầu tiên cho hơn một nửa dân số đủ điều kiện ở thành phố New York (Mỹ) và hơn 70% dân số đủ điều kiện ở thủ đô Washington.

Tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trước đây ở châu Phi của dòng vi rút hiện tại là khoảng 1%, nhưng đến nay dường như ít gây chết người hơn ở các nước không lưu hành. Tuy nhiên, một số bệnh nhân cho biết phải nhập viện vì đau dữ dội.

Tiến sĩ Ashish Jha nói Mỹ vẫn đang đánh giá xem liệu vụ bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có nên được tuyên bố là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng hay không.

"Chúng tôi đang xem xét vấn đề đó, đánh giá những cách nào có thể tăng cường phản ứng, nếu có, bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng", ông nói.

Sơn Vân