WHO đang làm gì để ứng phó với dịch bệnh đậu mùa khỉ?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:06, 25/07/2022

Vi rút gây bệnh đậu mùa khỉ hiện có tốc độ lây lan nhanh, nguy cơ lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng.

Theo các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, mục tiêu kiểm soát đậu mùa khỉ - dịch bệnh đã lây lan cho khoảng 16.000 người tại hơn 70 quốc gia chỉ trong vài tháng có thể đạt được. Tuy nhiên, sự thiếu khẩn trương và phối hợp trong xét nghiệm, điều trị ở nhiều nơi trên thế giới đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phải gióng lên hồi chuông cảnh báo.

Ngày 23.7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã phải ban bố Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) với dịch bệnh đậu mùa khỉ. Ông Tedros đã hành động ngay cả khi phần lớn các chuyên gia cố vấn cho rằng động thái này là không cần thiết.

dreamstime_xxl_157655308-scaled.jpeg
Nốt phát ban ở bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ - Ảnh: Internet

PHEIC được WHO định nghĩa như một "sự kiện bất thường", "tạo thành mối nguy hại đến sức khỏe cho các quốc gia thông qua sự lây lan của bệnh tật quốc tế", yêu cầu các "phản ứng phối hợp" từ nhiều quốc gia. Đậu mùa khỉ đã lây lan cho hàng chục nghìn người tại nhiều quốc gia chỉ trong vài tuần. "Đợt bùng phát đến nay đã lan nhanh khắp thế giới, thông qua phương thức lây truyền mới mà chúng ta còn hiểu biết quá ít", ông Tedros cho biết.

Theo ông Tedros, do đậu mùa khỉ bùng phát "tập trung ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là những người có nhiều bạn tình" nên có thể ngăn chặn căn bệnh này lây lan bằng các chiến lược phù hợp với nhóm này. Ông cũng đề xuất rằng các nhà khoa học nên tập trung vào công việc giải mã vi rút để giúp các quan chức y tế công cộng hiểu tại sao nó lại lây lan nhanh như vậy.

Mặc dù bệnh lây lan chủ yếu qua tiếp xúc gần gũi, các nhà nghiên cứu vẫn đang đánh giá các con đường lây truyền trong đợt bùng phát hiện tại. Nhiều người trong số những người bị nhiễm cho biết họ không xác định được nguồn lây nhiễm, một dấu hiệu cho thấy sự lây lan trong cộng đồng đã không bị phát hiện trong thời gian dài.

Vi rút đậu mùa khỉ có khả năng đột biến, có thể thay đổi cách ảnh hưởng đến con người nếu nó tiếp tục được lưu hành.

anh-chup-man-hinh-2022-07-25-luc-10.41.30.png
Đậu mùa khỉ tập trung ở những người đàn ông quan hệ tình dục đồng giới - Ảnh: Internet

Theo các phân tích gene sơ bộ các mẫu bệnh phẩm lấy từ người nhiễm bệnh, bộ gene bệnh đậu mùa khỉ đã có gần 50 đột biến kể từ năm 2018, nhiều hơn 6 hoặc 7 đột biến so với ước tính ban đầu của giới khoa học, theo The New York Times.

Đã có báo cáo về các trường hợp nhiễm bệnh ở trẻ em, minh chứng cho thấy các đợt bùng phát có thể gia tăng. Trong khi bệnh đậu mùa khỉ hiếm khi gây chết người song nó có thể gây nguy hiểm hơn đối với trẻ em và những người có hệ miễn dịch suy yếu.

Như với hầu hết các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, tốc độ lây nhiễm là vấn đề quan trọng. Bệnh đậu mùa khỉ lây lan khắp thế giới càng lâu, thì khả năng vi rút này trở thành một căn bệnh đặc hữu và đe dọa sức khỏe lâu dài càng lớn. Mặc dù nó không nguy hiểm như vi rút SARS-CoV-2 song các chuyên gia y tế công cộng đang chạy đua để kiểm soát tỷ lệ lây nhiễm của bệnh đậu mùa khỉ trước khi nó lưu hành rộng rãi trong cộng đồng. Song cho đến nay, các phản ứng để đối phó với đậu mùa khỉ trên toàn cầu là không đồng đều. 

Lawrence Gostin, Giám đốc Trung tâm Luật Y tế Toàn cầu của WHO và là giáo sư y tế công cộng tại Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho biết: "Bạn có thể nghĩ rằng chúng ta sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm từ việc ứng phó với đại dịch COVID-19, nhưng mọi thứ lại hoàn toàn ngược lại". 

Các cơ sở y tế công cộng đang phải vật lộn với việc xét nghiệm hạn chế, không đủ vắc xin, không đủ khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị kháng vi rút và khoảng trống dữ liệu khiến khó có thể có được một bức tranh toàn cảnh về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ.

WHO khuyến nghị chính phủ các nước không có ca bệnh đậu mùa khỉ tăng cường giám sát, đào tạo nhân viên y tế cách phát hiện và nâng cao nhận thức về lây nhiễm. Tại các quốc gia đã phát hiện vi rút đậu mùa khỉ, cơ quan y tế khuyến nghị các chính phủ lập các kế hoạch ứng phó với "mục tiêu ngăn chặn sự lây nhiễm từ người sang người", đặc biệt tập trung vào các nhóm người nguy cơ cao.

Jimmy Whitworth, Giáo sư tại Trường Vệ sinh và Y học Nhiệt đới London (Anh) cho biết việc xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ từ lâu đã là một vấn đề nan giải. Có khả năng số trường hợp nhiễm bệnh còn cao hơn so với con số được ghi nhận vì thiếu phương pháp xét nghiệm hoặc chẩn đoán sai.

Mike Ryan, Giám đốc chương trình các trường hợp khẩn cấp của WHO, cho biết việc giám sát bệnh đậu mùa ở khỉ "rất kém". 

Thiếu nguồn lực tại các phòng khám sức khỏe tình dục cũng là một điểm yếu trong công tác phòng dịch đậu mùa khỉ. Đặc biệt là do các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể bị nhầm lẫn với các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác như herpes hay giang mai.

Hugh Adler thuộc trường Y học Nhiệt đới Liverpool (Anh), cho biết: "Ban bố PHEIC cho bệnh đậu mùa khỉ là tăng thêm sức nặng chính trị và tính cấp bách của tình hình. WHO tin rằng đợt bùng phát này có thể kiểm soát được bằng các biện pháp y tế công cộng bao gồm cả một chiến dịch tiêm chủng phối hợp, nhưng cơ hội này đang đóng lại rất nhanh". 

Đan Thuỳ