Nông sản cần lo tề gia, trị quốc trong khi nghĩ đến bình thiên hạ
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:05, 25/07/2022
Cuối tuần qua, tại TP. Buôn Ma Thuột, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, Hiệp hội rau quả Việt Nam, Sở Công Thương tổ chức Phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam.
Theo báo Đắk Lắk, tại phiên tư vấn, các đại biểu đã được nắm bắt các nội dung xoay quanh sản xuất và xuất khẩu sầu riêng tại một số quốc gia trên thế giới. Cụ thể là tình hình nguồn cung các sản phẩm sầu riêng của Việt Nam; thị trường xuất khẩu mục tiêu và vấn đề xúc tiến xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam; việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu “Sầu riêng Krông Pắc”; tổng quan thị trường sản phẩm sầu riêng ở một số thị trường trên thế giới; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang một số thị trường nước ngoài; một số điều cần lưu ý khi xuất khẩu sản phẩm sầu riêng sang một số thị trường nước ngoài…
Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng sầu riêng ở Việt Nam tăng mạnh và hiện đang là loại cây trồng có tốc độ phát triển “nóng” ở Tây Nguyên. Từ ngày 11.7.2022, sầu riêng Việt Nam được xuất chính ngạch qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc.
Các chuyên gia dự báo, quy mô thị trường tiêu thụ sầu riêng toàn cầu sẽ tăng mạnh trong tương lai. Để nắm bắt cơ hội, cộng đồng sản xuất sầu riêng cần phải hợp tác theo chuỗi, chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với nâng cao chất lượng; tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình sản xuất sầu riêng an toàn; chủ động tìm kiếm thị trường mới…
Việc đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng ra thị trường quốc tế, trong đó có Trung Quốc là rất cần thiết và ý nghĩa. Tuy nhiên, nếu chưa tề gia, trị quốc xong mà chăm chăm bình thiên hạ thì có vẻ là chưa thỏa đáng. Nói cách khác, nếu đã ấp ủ tham vọng vươn ra thị trường quốc tế thì tại sao không sẵn tiện để chinh phục thị trường trong nước luôn.
Cạnh Đắk Lắk, tỉnh Đắk Nông cũng có diện tích trồng sầu riêng rất lớn. Trong thời gian qua, tỉnh cũng tìm đầu ra cho bà con mà hướng đi cũng rất hợp thời là thương mại điện tử (TMĐT).
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp của Đắk Nông, nhất là sầu riêng, bơ trên kênh tiêu thụ mới này vẫn là bài toán khó.
Báo Đắk Nông lấy ví dụ HTX Nông nghiệp hữu cơ, dịch vụ Hòa Phát, xã Thuận Hạnh (Đắk Song) hiện có 27 thành viên tham gia trồng hơn 40 ha sầu riêng. Năm 2021, sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP hạng 3 sao. Mỗi năm, HTX sản xuất, cung ứng cho thị trường hơn 300 tấn sầu riêng.
Vừa qua, HTX tham gia bán hàng qua sàn điện tử để bán sản phẩm sầu riêng. Thế nhưng, HTX còn nhiều khó khăn vì chưa được trang bị về kỹ năng bán hàng trên kênh tiêu thụ hiện đại này.
Ông Nghiêm Xuân Dưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, sản phẩm sầu riêng rất khác so với các loại trái cây khác. Loại trái cây này đòi hỏi phải tiêu thụ ngay hoặc phải cấp đông mới bảo quản lâu dài được.
Do đó, để bán sầu riêng trên sàn TMĐT là rất khó. Bởi HTX chưa có đủ năng lực để bảo quản sản phẩm, chưa có thiết bị kỹ thuật đóng gói để khi vận chuyển đến tay người tiêu dùng.
Còn ông Trần Văn Thọ, xã Đắk Hòa (Đắk Song), vừa tham gia đợt tập huấn về bán hàng qua sàn TMĐT. Được tập huấn, nhưng ông cũng có không ít khó khăn về việc triển khai phương thức bán hàng này.
Trong khi, đặc thù của sản phẩm sầu riêng, bơ chỉ vận chuyển, tiêu thụ trong vòng từ 24-36 giờ. "Nếu khâu vận chuyển không bảo đảm, chất lượng sản phẩm sẽ giảm mạnh, thậm chí bị hỏng", ông Thọ cho biết.
Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Bưu điện tỉnh Đắk Nông cho hay, phần lớn 2 sản phẩm bơ, sầu riêng của bà con Đắk Nông hiện vẫn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Vì vậy, chất lượng mang lại không đồng nhất.
Khi triển khai đưa sản phẩm lên sàn TMĐT, các đối tác thường yêu cầu số lượng lớn, nhưng bà con không đáp ứng được. Trong khi đó, Bưu điện tỉnh lại không thể đi từng khu vực để thu gom sản phẩm.
Như vậy có thể thấy bài toán để giải quyết nông sản cho bà con không chỉ là sầu riêng hay bơ, mà các loại khác cần có hệ thống xử lý lưu trữ (cấp đông), chuỗi cung ứng logistic thật sự đáng tin cậy kết hợp với sàn thương mại điện tử. Khi các vấn đề này được giải quyết thì bà con có thể yên tâm đổ mồ hôi để cày sâu cuốc bẫm trên chính mảnh đất của mình để phát triển bền vững. Đây chính là vấn đề mà các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách nên phải bắt tay vào làm một cách thực sự.