Vì sao quân đội phản đối chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ?

Quốc tế - Ngày đăng : 12:48, 26/07/2022

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã tiết lộ rằng các cố vấn quân sự của ông đã phản đối chuyến thăm Đài Loan theo kế hoạch của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Trong một cuộc trao đổi ngắn với các phóng viên sau khi hạ cánh xuống Căn cứ Liên hợp Andrews (bang Maryland, Mỹ) hôm 19.7, khi được hỏi liệu chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan là một ý tưởng hay không, Tổng thống Mỹ trả lời rằng "quân đội coi đó không phải là thời điểm thích hợp để tiến hành chuyến thăm, nhưng tôi không rõ tình trạng của nó (chuyến thăm) như thế nào”.

Về phần mình, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã không tiết lộ với các phóng viên cụ thể về chuyến công du Đài Loan dự kiến vào tháng 8 tới. “Tôi không bàn về kế hoạch chuyến thăm của mình. Đó là vấn đề an ninh", bà nói.

Khi được hỏi tại sao quân đội phản đối chuyến đi, bà Pelosi cho biết: "Tôi nghĩ những gì tổng thống đang nói là có thể quân đội sợ máy bay của chúng tôi sẽ bị bắn hạ khi đến Đài Loan”.

pelosi.png
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi - Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, giới chuyên gia quân sự cho rằng rất khó xảy ra kịch bản Trung Quốc bắn rơi chiếc máy bay chở Chủ tịch Hạ viện Mỹ và mối quan tâm của Bắc Kinh chỉ là về tính công khai của chuyến thăm.

"Quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ nơi máy bay quân sự của Mỹ chở bà Pelosi cất cánh. Trước đây, các chuyến bay quan chức Mỹ đến Đài Loan thường khởi hành từ Hàn Quốc", Koichi Isobe, một chỉ huy đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản cho biết.

Ông Isobe và các nhà phân tích quân sự khác đã dự đoán rằng, nếu xảy ra xung đột bất ngờ giữa Mỹ và Trung Quốc ở eo biển Đài Loan, Lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc có thể được điều động để hỗ trợ trong trận chiến. Do đó, các chuyến bay từ Hàn Quốc đến Đài Loan được coi là điều cần thiết để đảm bảo an ninh.

Theo Financial Times, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi dự kiến sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm các nghị sĩ đến Đài Loan, Nhật Bản, Singapore, Indonesia và Malaysia. Nhóm cũng dự kiến ​​sẽ đến thăm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii. Tờ Financial Times cũng nhận định, quân đội Trung Quốc có thể ngăn máy bay chở bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan hoặc cho chiến đấu cơ ngăn chặn máy bay quân sự của bà.

Cựu chỉ huy quân sự Nhật Bản Isobe lưu ý rằng chính quyền Biden có “thành tích tốt” trong việc bảo mật các chuyến thăm nước ngoài "nhạy cảm" của các quan chức cấp cao. Tuy nhiên, việc thông tin chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi được “rò rỉ” có thể đã khiến Nhà Trắng khó xử. Nhà Trắng hiện đang đánh giá liệu Trung Quốc có đưa ra những đe dọa nghiêm trọng hoặc có hành động leo thang bên bờ xung đột nhằm gây sức ép lên bà Pelosi để từ bỏ chuyến thăm hay không.

Elbridge Colby, cựu Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chiến lược và phát triển lực lượng, nói rằng tình hình Đài Loan đang ngày càng trở nên nguy hiểm và Washington cần phải cẩn thận với những thông điệp gửi đi.

"Trung Quốc gần như có khả năng tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào hòn đảo. Trong tình huống này, điều chúng ta cần tập trung là tăng cường nhanh chóng và mạnh mẽ sức mạnh phòng thủ của mình. Washington và Tokyo đã báo hiệu sự hỗ trợ đáng kể cho Đài Bắc. Điều quan trọng bây giờ là Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản phải nhanh chóng tăng cường khả năng thực tế để bảo vệ Đài Loan", ông Colby nhấn mạnh.

Theo Nikkei, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm, đặc biệt là đối với phía Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đối mặt với các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã nghỉ hưu trong "hội nghị Bắc Đới Hà". Cuộc họp “không chính thức” tại khu nghỉ dưỡng Bắc Đới Hà (ở tỉnh Hà Bắc) thường diễn ra vào mùa hè hàng năm và là nơi các lãnh đạo cấp cao gặp nhau để trao đổi về các chính sách lớn, do đó, sự kiện này đóng vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách của Trung Quốc.

Từ khi nắm quyền, ông Tập đã công khai thể hiện tham vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sánh ngang với Mỹ, khi tăng cường tuyên truyền về thành tựu của đất nước trên trường thế giới cũng như các chính sách ngoại giao tranh giành ảnh hưởng quyết liệt. Tuy nhiên, có ý kiến trong nội bộ chính trường Trung Quốc rằng yếu tố khiến mối quan hệ Mỹ - Trung xấu đi nhanh chóng trong những năm gần đây liên quan tới hàng loạt vấn đề, trong đó nổi cộm nhất vẫn là Đài Loan. Do đó, chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Pelosi sẽ buộc nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phải thực hiện các biện pháp đối phó “phù hợp” trước thềm hội nghị Đới Bắc Hà năm nay.

Nhà báo Ken Moriyasu của Nikkei cho rằng Trung Quốc có thể phản ứng bằng cách triển khai chiến đấu cơ hoặc tổ chức các cuộc tập trận xung quanh Đài Loan, nếu máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm sâu hơn vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, bao gồm cả đảo chính thì có thể là một hành động làm thay đổi hiện trạng. Và dĩ nhiên trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc cũng sẽ lên tiếng chỉ trích kịch liệt Mỹ vì động thái được cho là “khiêu khích” này.

Tuy nhiên, Ryan Hass, một thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách Brookings (Mỹ), gợi ý rằng Washington có thể sẽ xem xét lại thời điểm chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi. Vì nếu chuyến thăm của lãnh đạo Hạ viện Mỹ diễn ra như đúng lịch trình vào tháng 8 gần với thời gian kỷ niệm thành lập Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) và hội nghị Đới Bắc Hà, Trung Quốc có thể đưa ra các phản ứng khá “cứng rắn”.

"Thay vì đến thăm, Pelosi có thể kêu gọi ủng hộ của công chúng cho Đài Loan vào tháng 8 và cam kết sẽ đến thăm vào một ngày trong tương lai. Bà ấy có thể đến hòn đảo với tư cách là diễn giả vào cuối năm nay. Thời điểm đó sẽ bớt căng thẳng hơn”, Hass cho biết.

“Nếu Mỹ muốn tăng cường mức độ can dự vào Đài Loan thì nênnên thực hiện một cách thận trọng, chứ không phải theo những cách tạo ra thách thức công khai đối với Bắc Kinh”, Hass nhận định.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại tổ chức nghiên cứu quân sự RAND Corp (Mỹ), lưu ý rằng chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosy "đặt tất cả các bên vào tình thế khó khăn”.

“Trung Quốc buộc phải phản ứng hoặc đánh mất uy thế, trong khi Đài Loan có thể không còn tôn trọng Mỹ nếu nước này hủy bỏ chuyến thăm, hoặc có nguy cơ bị Bắc Kinh trả đũa nếu chuyến thăm diễn ra. Ngoài ra, Mỹ có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Trung Quốc nếu cho phép chuyến thăm và ngược lại chính quyền Biden cũng có thể bị chỉ trích là mềm yếu trước Bắc Kinh nếu cho hủy”, ông Grossman cho hay.

Trong cuộc họp báo hôm 20.7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng Quốc hội Mỹ là một bộ phận của chính phủ Mỹ, và chuyến thăm Đài Loan dự kiến vào tháng 8 của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi sẽ "vi phạm nghiêm trọng" chính sách Một Trung Quốc mà chính phủ Mỹ cam kết thực hiện.

"Nếu phía Hoa Kỳ nhất quyết thực hiện chuyến thăm, Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ để kiên quyết đáp trả và thực hiện các biện pháp đối phó", ông nói.

Đáng chú ý, tờ Financial Times ngày 24.7 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo riêng tư với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về chuyến công du Đài Loan của bà Pelosi. Theo các nguồn tin, cảnh báo của Bắc Kinh lần này bao gồm "một phản ứng quân sự có thể xảy ra".

Hoàng Vũ