Nhiều người nghi loạt ảnh do Kính viễn vọng James Webb 10 tỉ USD của NASA chụp là giả

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:06, 26/07/2022

Loạt ảnh được chờ đợi từ lâu làm dấy lên cuộc tranh luận sôi nổi giữa những người hâm mộ vũ trụ.

Kính thiên văn mới của NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) trị giá 10 tỉ USD đã gây tiếng vang lớn kể từ khi Tổng thống Mỹ - Joe Biden công bố  bức ảnh màu đầu tiên, sâu nhất và sắc nét nhất về vũ trụ do nó chụp đầu tháng này.

Những hình ảnh đầu tiên từ Kính viễn vọng không gian James Webb (kính viễn vọng không gian lớn nhất từng được chế tạo) có Tinh vân Carina và nhóm lớn các cụm thiên hà.

Giờ đây, một số nhà thuyết âm mưu nghi ngờ tính xác thực các bức ảnh, mô tả chúng là "hàng giả".

Những người hoài nghi tuyên bố những hình ảnh đã được chỉnh sửa hoặc dàn dựng bằng nhiều đạo cụ khác nhau, bao gồm cả “kính vạn hoa”.

Lên tiếng trên mạng xã hội, những người này cho biết nhiếp ảnh gia cũng nhận định những bức ảnh này là giả mạo.

Một người tuyên bố “nhà thiết kế đồ họa tại NASA” sẽ được ghi công vì tạo ra các hình ảnh không gian.

Một người dùng Telegram bình luận: “Một mẹo nhỏ trong nhiếp ảnh là đặt một miếng vải mỏng che ống kính được kéo chặt - bạn sẽ có được những tia sáng lấp lánh. Chào mừng đến với những bức ảnh tuyệt đẹp của NASA thập niên 80”.

Một số người dùng Twitter cũng tham gia vào cuộc tranh luận, chỉ trích NASA vì các bức ảnh mới.

Một người bình luận: “Hình ảnh giả mạo, nó đã được chỉnh sửa quá nhiều”.

Vào ngày 12.7 vừa qua, NASA đã chia sẻ 5 hình ảnh đáng mong đợi từ Kính viễn vọng không gian James Webb , mô tả chúng là "có ý nghĩa". Đây là những thành quả đầu tiên của kính viễn vọng lớn nhất thế giới.

Những hình ảnh đầy đủ màu sắc đầu tiên của Webb hiện là thứ mà cả thế giới thưởng thức! Chúng tôi hy vọng bạn thấy chúng có ý nghĩa và đẹp đẽ như chúng tôi thấy”, NASA tweet.

1(1).jpg
Ảnh đầu tiên là Deep Field, được Tổng thống Biden công bố trước đó tại Nhà Trắng. Ảnh cho thấy cụm thiên hà SMACS 0723, cách Trái Đất 4,6 tỉ năm ánh sáng. Các chi tiết của cụm thiên hà được chụp rất rõ nét, với ánh sáng lấp lánh từ nhiều thiên hà khác nhau
2(1).jpg
Ảnh tiếp theo có tên Star Death, cho thấy tinh vân NGC 3132, còn gọi là Southern Ring Nebula. Bức ảnh bên trái được xử lý từ camera hồng ngoại gần, trong khi ảnh bên phải sử dụng camera hồng ngoại trung. Tinh vân này cách Trái đất khoảng 2.000 năm ánh sáng, gồm cả đám mây khí bao quanh một ngôi sao sắp chết
3(1).jpg
Hình ảnh của Stephan’s Quintet, một nhóm gồm 5 thiên hà do nhà thiên văn Édouard Stephan (người Pháp) phát hiện năm 1877. Một trong những thiên hà thuộc Stephan's Quintet là NGC 7320, cách Trái đất khoảng 40 triệu năm ánh sáng. 4 thiên hà còn lại nằm rất gần nhau, cách chúng ta đến 290 triệu năm ánh sáng, được giới khoa học ví như "nhóm thiên hà nhỏ gọn". Các nhà thiên văn vẫn đang nghiên cứu nguyên nhân có thể khiến chúng nằm rất gần nhau
4.jpg
Hình ảnh cuối cùng là cụm thiên hà NGC 3324 thuộc tinh vân Carina. Cách Trái đất khoảng 7.600 năm ánh sáng, tinh vân Carina là nơi hình thành của nhiều ngôi sao. Đây là một trong những tinh vân sáng và lớn nhất trên bầu trời, tồn tại nhiều ngôi sao khổng lồ, lớn hơn Mặt trời vài lần

James Webb do NASA phối hợp cùng Cơ quan Vũ trụ châu Âu phát triển từ cuối thập niên 1990 với kinh phí khoảng 10 tỉ USD. Đây được xem là kính viễn vọng mạnh mẽ nhất thế giới, đang trong các giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trước khi chính thức vận hành cuối năm nay. Các nhà khoa học kỳ vọng James Webb sẽ mang đến những hình ảnh chi tiết, giúp chúng ta hiểu hơn về nguồn gốc vũ trụ, tìm ra manh mối về sự hình thành, tồn tại của con người và sự sống ngoài Trái đất.

Với những công cụ mạnh mẽ, các nhà khoa học còn sử dụng James Webb để phân tích các vật thể, hiện tượng vũ trụ, bao gồm cả nhóm hành tinh thuộc Hệ Mặt trời như Mộc tinh.

Sau loạt ảnh màu chất lượng cao về vũ trụ xa xôi, NASA tiếp tục chia sẻ một số hình ảnh Mộc tinh chụp bởi James Webb.

capture.jpg
Hình ảnh Mộc tinh và mặt trăng Europe chụp bởi bộ lọc 2,12 micron của NIRcam  

Loạt ảnh được chụp bởi các bộ lọc màu khác nhau của camera hồng ngoại gần (NIRCam). Có thể thấy rõ những vòng mây bao quanh Mộc tinh, Vết Đỏ Lớn (Great Red Spot - cơn bão rực lửa có diện tích lớn hơn Trái đất, được cho đã tồn tại hàng trăm năm và chưa có dấu hiệu dừng lại) cùng các vành đai xung quanh cơn bão.

Một số Mặt trăng của Mộc tinh, bao gồm cả Europa cũng xuất hiện trong ảnh. Mặt trăng này được cho có nhiều thành phần thiết yếu của sự sống gồm nước, năng lượng và vật liệu carbon. Đại dương của Europa nằm dưới lớp băng dày 15-25 km, độ sâu 60-150 km. Đây được đánh giá là một trong những vật thể tiềm năng thuộc Hệ Mặt trời có thể duy trì sự sống.

Những bức ảnh Mộc tinh được chụp trong lúc các kỹ sư hiệu chỉnh James Webb sau khi phóng lên quỹ đạo vào cuối năm 2021.

"Kết hợp những hình ảnh vũ trụ xa xôi được công bố trước đó, loạt ảnh Mộc tinh cho thấy toàn bộ chi tiết mà James Webb có thể quan sát, từ các thiên hà mờ ảo, cách xa chúng ta đến những hành tinh nằm trong Hệ Mặt trời, có thể nhìn thấy bằng mắt thường từ sân nhà", theo Bryan Holler, nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian tại thành phố Baltimore (Mỹ).

Tiến sĩ Stefanie Milam, thành viên thuộc dự án khoa học hành tinh của James Webb tại NASA, chia sẻ: "Không thể tin chúng tôi có thể nhìn mọi thứ một cách rõ ràng, sáng sủa như vậy. Thật thú vị khi nghĩ đến khả năng quan sát những loại vật thể này trong Hệ Mặt trời".

Sơn Vân