Nga tuyên bố rời Trạm ISS, đẩy căng thẳng Nga - Mỹ tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh
Quốc tế - Ngày đăng : 06:55, 27/07/2022
Khi cuộc đua lên mặt trăng lùi xa, các phi hành gia Mỹ và Liên Xô đã gặp nhau và bắt tay nhau trong không gian lần đầu tiên vào năm 1975 - ngay thời đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh. Mỹ và Nga đã tiếp tục làm việc cùng nhau trong không gian vũ trụ, với tầm nhìn vượt những mối thù địch của họ trên Trái đất. Rồi vào thập niên 90, hai quốc gia cùng xây dựng và vận hành một phòng thí nghiệm trên trạm không gian ISS.
Hôm thứ ba (26.7), Moscow cho biết họ sẽ rời khỏi Trạm Vũ trụ Quốc tế "sau năm 2024" trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây, trong một động thái mà các nhà phân tích cảnh báo có thể dẫn đến việc ngừng các chuyến bay có phi hành đoàn của Nga.
Việc xác nhận động thái vốn râm ran từ lâu, được đưa ra khi mối quan hệ giữa Điện Kremlin và phương Tây trở nên căng thẳng liên quan sự can thiệp quân sự của Moscow vào Ukraine và một số vòng trừng phạt tàn khốc của phương Tây nhằm vào Nga, gồm cả lĩnh vực không gian của nước này.
Trong cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin, ông Yury Borisov, người đứng đầu mới của cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos cho biết: "Tất nhiên, chúng tôi sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ của mình với các đối tác, nhưng quyết định rời trạm này sau năm 2024 đã được đưa ra. Tôi nghĩ rằng vào thời điểm này, chúng ta sẽ bắt đầu lắp đặt một trạm quỹ đạo của Nga”, đồng thời gọi đây là "ưu tiên" chính của chương trình vũ trụ trong nước. Tổng thống Putin trả lời: “Tốt”
Mỹ cho biết họ đã rất ngạc nhiên trước thông báo này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: “Đó là một diễn tiến đáng tiếc do công trình khoa học quan trọng được thực hiện tại ISS là sự hợp tác chuyên môn quý giá mà các cơ quan vũ trụ của chúng tôi đã có trong nhiều năm qua.
Trong một tuyên bố với AFP, quản trị viên NASA Bill Nelson cho biết cơ quan này "chưa biết về bất kỳ quyết định nào từ đối tác, mặc dù chúng tôi đang tiếp tục hình thành các khả năng trong tương lai để đảm bảo sự hiện diện quan trọng của chúng tôi trong quỹ đạo Trái đất tầm thấp".
Cho đến nay, thám hiểm không gian là một trong số ít lĩnh vực mà mối quan hệ hợp tác giữa Nga với phương Tây của họ không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng về Ukraine và các nơi khác.
Chuyên gia không gian Nga Vadim Lukashevich cho biết khoa học vũ trụ không thể phát triển ở một quốc gia bị trừng phạt nặng nề.
Lukashevich nói với AFP: "Nếu ISS không còn tồn tại vào năm 2024, chúng ta sẽ không có nơi nào để bay. Việc duy trì các chuyến bay có người lái ở Nga, nơi khai sinh ra ngành du hành vũ trụ, đang bị đe dọa".
Chỉ ra sự cô lập về khoa học và công nghệ ngày càng tăng của Nga, ông Lukashevich cho biết các nhà chức trách không thể lập kế hoạch trước nhiều tháng và nói thêm rằng ngay cả khi Nga xây dựng một trạm quỹ đạo, nó sẽ trở lại những năm 1980. Ông so sánh: "Nó sẽ cũ kỹ, giống như căn hộ của một bà già, với một chiếc điện thoại nút bấm và một máy thu âm".
Nhà phân tích vũ trụ Vitaly Yegorov cũng đưa ra một lưu ý tương tự, nói rằng việc xây dựng một trạm quỹ đạo mới là điều không thể tiếp theo trong vài năm tới. Yegorov nói với AFP: "Cả năm 2024, năm 2025 và năm 2026 sẽ không có trạm quỹ đạo của Nga".
Ông nói thêm rằng việc tạo ra một trạm vũ trụ hoàn chỉnh sẽ mất ít nhất một thập kỷ với "nguồn tài trợ hào phóng nhất", đồng thời lo ngại việc Nga rời ISS đồng nghĩa với việc Moscow có thể phải ngừng chương trình các chuyến bay có người lái "trong vài năm" hoặc thậm chí là "vô thời hạn".
Theo Yegorov, động thái này cũng có thể khiến Nga từ bỏ sân bay vũ trụ chính, Baikonur, mà họ đang thuê từ Kazakhstan.
Theo tầm nhìn của người đứng đầu cơ quan hàng không vũ trụ Nga - Borisov, các chuyến bay không gian có người lái của Nga phải là một phần của chương trình khoa học có hệ thống, để mỗi sứ mệnh sẽ cung cấp cho đất nước những kiến thức mới.
Người đứng đầu trước đây của Roscosmos, Dmitry Rogozin, đã dự đoán rằng ISS, mà NASA có kế hoạch hoạt động cho đến năm 2030, sẽ "sụp đổ" vào thời điểm đó trừ khi "một số tiền lớn" được đầu tư vào việc sửa chữa nó.
Nhưng ông cho rằng những nỗ lực để giữ cho trạm trên quỹ đạo không còn hiệu quả đối với Nga do môi trường địa chính trị hiện tại. Rogozin trước đó từng cảnh báo rằng nếu không có sự hợp tác từ Moscow, ISS có thể chệch quỹ đạo và rơi xuống lãnh thổ của Mỹ hoặc châu Âu.