Nga chờ sát giờ mới phản công, châu Âu khó kịp trở tay trước khi Đại tướng mùa đông xuất hiện

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:51, 27/07/2022

Gạt những diễn biến quân sự tại Ukraine thì diễn biến liên quan năng lượng khí đốt là mặt trận căng thẳng và khốc liệt giữa Nga và phương Tây. Nga đang chờ Đại tướng mùa đông xuất hiện giúp đỡ họ trong cuộc đối đầu phương Tây.

Như một trận bóng đá, khi một đội ghi bàn dẫn trước phút 80 thì đối phương vẫn còn cơ hội phản công để lật ngược thế cờ. Nhưng khi một đội chọn kiên trì phòng ngự để ghi bàn sau phút 80 thì đối phương có rất ít cơ hội để tìm bàn gỡ hay lật ngược thế cờ. Nga không giỏi bóng đá nhưng họ đang áp dụng chiến thuật này trong cuộc đấu trí với phương Tây.

Vào ngày 25.7, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga thông báo sẽ giảm lưu lượng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 từ 40% công suất hiện tại xuống còn 20% công suất từ ngày 27.7, do "phải đem một tuabin đi bảo trì".

Bộ Kinh tế Đức bác bỏ lập luận của Gazprom rằng tuabin bị hư hỏng là nguyên nhân dẫn đến hạn chế dòng khí, thay vào đó nói rằng việc cắt giảm là một cách khác để Nga trừng phạt châu Âu vì phản đối cuộc chiến ở Ukraine. Tất nhiên, Đức có quyền phản đối còn quyết định như thế nào lại là do Nga nắm đằng chuôi.

Trước khi Nga tiến quân vào Ukraine, Đức đã dựa vào Nga để nhập 55% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên. Đức đã cắt giảm thị phần đó xuống còn 30% trong bốn tháng qua, nhưng đang cố gắng tiết kiệm để dự trữ đủ nhiên liệu vượt qua mùa đông.

Vài giờ trước khi Gazprom thông báo về việc cắt giảm mới, người đứng đầu cơ quan quản lý mạng của Đức, Klaus Müller, cho biết các cơ sở lưu trữ của nước này đã đạt 65,9% công suất và do đó “cuối cùng đã hoạt động trở lại”. Mục tiêu là sẽ lấp đầy kho dự trữ 75% vào đầu tháng 9. Tuy nhiên, với việc Nga giảm một nửa lượng khí đốt xuất qua Nord Stream thì khả năng Đức lấp đầy dự trữ khí đốt sẽ trở thành thách thức.

Không chỉ Đức mà hầu hết châu Âu đều phụ thuộc khí đốt Nga nên chịu áp lực về việc tích trữ trước mùa đông. Nga vốn chiếm khoảng 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu nhưng sau đó Moscow đã giảm 1/3 nguồn cung vào tháng 6. Thông thường, các cở sở dự trữ khí đốt ở châu Âu gần như được lấp đầy vào thời điểm này, nhưng hiện giờ chúng đang bị thiếu hụt nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và cuộc sống của người dân.

Thông tin mới nhất của Gazpom về việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt châu Âu tăng 12% vào ngày 25.7. Nếu như trước đây giá khí đốt chưa đến 30 euro một megawatt giờ (MWh) thì nay đã tăng cao 6 lần, lên đến 180 euro/MWh.

Gạt những diễn biến quân sự tại Ukraine thì diễn biến liên quan năng lượng khí đốt là mặt trận căng thẳng và khốc liệt giữa Nga và phương Tây. Nếu Nga cắt nguồn khí đốt cấp cho châu Âu từ sớm thì sẽ khiến phương Tây có thời gian để đối phó và tìm cách lấp đầy kho dự trữ. Nhưng Nga không làm như thế và khiến phương Tây nghĩ rằng họ vẫn còn thời gian để kịp dự trữ cho mùa đông. Nhưng khi trận đấu trôi qua phút 80 thì Nga mới thay đổi nhịp độ trận đấu và châu Âu còn rất ít thời gian để xoay sở.

Theo The New York Times, các nhà quan sát cho rằng động thái này cho thấy ý định của Tổng thống Vladimir Putin sử dụng xuất khẩu năng lượng của Nga như một tấm gương để trừng phạt và chia rẽ các nhà lãnh đạo châu Âu bằng cách nới lỏng hoặc thắt chặt các vòi theo tính toán và diễn biến cuộc chiến tại Ukraine.

Và ý định đó càng đợi gần đến mùa đông thì càng phát huy hiệu quả cao hơn.

Anh Tú