Nguồn gốc đại dịch COVID-19 có thể từ chợ hải sản Vũ Hán

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:41, 27/07/2022

Theo các nghiên cứu mới được đăng trên tạp chí Science ngày 26.7 cho thấy nguồn gốc đại dịch COVID-19 có thể bắt nguồn từ chợ hải sản ở TP.Vũ Hán (Trung Quốc).

Câu trả lời cho việc liệu COVID-19 được lây truyền tự nhiên từ động vật sang người, hay là hậu quả của một vụ rò rỉ vi rút trong phòng thí nghiệm, được xem là yếu tố quan trọng để ngăn chặn đại dịch tiếp theo và cứu sống hàng triệu người.

Nghiên cứu đầu tiên đã phân tích khía cạnh địa lý của các ca bệnh COVID-19 được ghi nhận vào tháng 12.2019, cho thấy các ca bệnh đầu tiên tập trung chặt chẽ quanh chợ Vũ Hán.

Nghiên cứu thứ hai phân tích dữ liệu gien từ các ca bệnh sớm nhất để nghiên cứu quá trình biến đổi sơ khai của vi rút và kết luận rằng vi rút SARS-CoV-2 không có khả năng lây lan rộng trong cộng đồng trước tháng 11.2019.

anh-chup-man-hinh-2022-07-27-luc-10.26.02.png

Cả hai nghiên cứu đều được đăng tải dưới dạng "xem trước", nhưng đều đã có bình duyệt khoa học và được đăng tải trên một tạp chí danh tiếng.

Michael Worobey, nhà nghiên cứu tại Đại học Arizona (Mỹ) đồng tác giả của cả 2 nghiên cứu trên, trước đây từng kêu gọi cộng đồng khoa học xem xét kỹ lưỡng hơn giả thuyết vi rút SARS-CoV-2 thoát ra từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, nghiên cứu mới khiến ông cho rằng nguồn gốc của vi rút có thể liên quan đến việc mua bán động vật hoang dã ở chợ Vũ Hán.

Trước đó cũng có nhiều giả thuyết cho rằng vi rút SARS-CoV-2 xuất phát từ chợ Vũ Hán, song các nhà nghiên cứu muốn thu thập thêm bằng chứng để xác định đây thực sự là nguồn gốc của đại dịch, chứ không phải là nơi "khuếch đại" dịch bệnh.

Nghiên cứu thứ nhất đã sử dụng công cụ lập bản đồ để xác định vị trí của hầu hết 174 ca bệnh đầu tiên được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác định. Họ tìm thấy 155 trường hợp trong đó là ở Vũ Hán, đặc biệt tập trung xung quanh khu chợ Vũ Hán, chỉ một số trường hợp không có lịch sử đến hoặc sống gần chợ.

Nhóm nghiên cứu cho biết các loài động vật có vú có thể bị nhiễm vi rút bao gồm cáo đỏ, lửng lợn, lửng chó, tất cả đều được bán trực tiếp tại chợ.

Các nhà nghiên cứu cũng liên kết các trường hợp nhiễm COVID-19 vào đầu năm 2020 với thị trường phía tây, nơi bán động vật sống hoặc tươi sống vào cuối năm 2019.

"Điều này cho chúng tôi thấy vi rút không lây lan theo cách thức bí ẩn nào cả. Nó thực sự bắt nguồn từ khu chợ và lan rộng ra từ đó", ông Worobey nói.

untitled-4_kilh.jpeg

Nghiên cứu thứ 2 tập trung giải quyết sự khác biệt rõ ràng trong quá trình tiến biến đổi sơ khai của vi rút. Hai dòng A và B đánh dấu thời kỳ lây lan đầu tiên của đại dịch. Dòng A giống với vi rút được tìm thấy ở dơi hơn, làm dấy lên giả thuyết vi rút đã lây từ động vật sang người, và A sinh ra B. Tuy nhiên, dòng B được phát hiện nhiều hơn ở quanh khu chợ Vũ Hán.

Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một kỹ thuật gọi là "phân tích đồng hồ phân tử" dựa trên mức độ đột biến gien xảy ra theo thời gian để tái hiện lại dòng thời gian tiến hóa của vi rút. Họ kết luận, A dường như không sinh ra B. Thay vào đó, họ cho rằng cả A và B đều có nguồn gốc từ động vật được buôn bán ở chợ Vũ Hán và lây truyền sang người vào những thời điểm khác nhau trong tháng 11 và tháng 12.2019.

"Chúng tôi chưa bác bỏ hoàn toàn giả thuyết vi rút rò rỉ từ phòng thí nghiệm. Song tôi nghĩ điều thực sự quan trọng ở đây là có nhiều giả thuyết có thể xảy ra và chúng thực sự hợp lý", Kristian Anderson, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết.