LHQ không thể cấm robot chiến tranh
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 18:17, 22/08/2017
Theo chuyên gia Philip Ball, câu trả lời của LHQ chắc chắn là không vì thực tế những robot chiến tranh đã được đưa vào sử dụng trong thực tế.
"Cấm các nhà buôn vũ khí quốc tế là họ không thể sản xuất robot giết người giống như là cấm các nhà sản xuất nước giải khát không được sản xuất nước cam", ông Ball bình luận.
CEO của Tesla, Elon Musk là một trong số 116 lãnh đạo ngành công nghệ ký thư ngỏ cho LHQ với nội dung là "Chúng ta không có thời gian để hành động. Một khi chiếc hộp Pandora này được mở, sẽ khó mà đóng nó lại".
Thế nhưng trên thực tế hộp Pandora "vũ khí giết người tự hành" đã được mở từ lâu. Chẳng hạn Mỹ hiện đang đưa vào thực chiến "máy bay chiến đấu không người lái" Taranis do BAE sản xuất và phát triển.
Hàn Quốc hiện đang triển khai dọc giới tuyến với Triều Tiên hàng loạt pháo tự hành không người lái SGR-A1 do Samsung chế tạo. Nga thì đang phát triển hàng loạt mẫu xe tăng tự hành, một số đã được đưa vào thực chiến tại Syria.
Ông Ball cho rằng thật khó để nói rằng Musk và những lãnh đạo ngành công nghệ hàng đầu không biết được điều này. Tuy nhiên, có thể bức thư ngỏ của họ lên LHQ chủ yếu để đánh động dư luận về một nguy cơ có thật mà con người có thể phải đối mặt trong thời gian tới.
Vấn đề là về mặt đạo đức thì cách tiếp cận của Musk và những người bạn là tốt. Nhưng ngược lại, về mặt công nghệ trong chiến tranh điều này chưa chắc đúng khi nhiều nước đang cố áp dụng công nghệ cao nhằm giảm sự hy sinh của binh sĩ trên chiến trường cũng như giảm thương vong dân sự đáng tiếc.
Một bộ luật đạo đức cho robot thực tế đã được đề cập trong truyện I, Robot của Ixac Asimov. Trong truyện này, robot được sinh ra với 3 điều luật bắt buộc mà chúng phải tuân theo để không làm hại chủ nhân con người của chúng.
Tuy nhiên, khía cạnh đạo đức không bao giờ dừng lại. Chẳng hạn một chiếc xe tự hành khi gặp trường hợp bất khả kháng bắt buộc phải xảy ra tai nạn, vậy chiếc xe sẽ hành động theo hướng bảo vệ người lái hay bảo vệ những người khác? Dù thực hiện theo hướng nào thì dưới cái nhìn đạo đức đều không đúng cả.
Trường hợp robot trong chiến tranh cũng như vậy. Nhiều dấu hỏi đạo đức cho rằng robot máu lạnh có thể sẽ giết chết nhiều dân thường hơn so với chiến binh người. Nhưng ngược lại, sự máu lạnh đôi khi lại là điều tốt nhất là đối với tâm lý của người lính. Một người lính có tâm lý bất ổn, thậm chí căng thẳng quá mức có khi biến họ thành những kẻ thực hiện những cuộc thảm sát, hiếp dâm dân thường trên chiến trường.
Vì vậy, việc ngăn chặn robot chiến tranh là điều không thể, cái chúng ta có thể ngăn chặn chính là những mâu thuẫn, xung đột trên toàn thế giới hiện nay mà thôi.
Ái Vi