Đồng Nai: Cần thiết xây nhà máy đốt rác phát điện để giảm chôn lấp chất thải
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 12:08, 28/07/2022
Theo đánh giá của UBND tỉnh và các sở, ban, ngành, việc triển khai dự án này là cần thiết để tăng tỷ lệ tái sử dụng và giảm chôn lấp chất thải.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường của tỉnh, các khu xử lý chất thải sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn tỉnh đủ công suất tiếp nhận, xử lý chất thải phát sinh đến năm 2025. Tuy nhiên, để xử lý triệt để rác thải, tăng khả năng tái chế và tái sử dụng, đồng thời giảm chôn lấp, cần tiếp tục đổi mới công nghệ. Đốt rác phát điện là công nghệ được khuyến khích đầu tư vì không chỉ xử lý triệt để rác thải mà còn có thể thu hồi năng lượng tái sinh. Hiện một số tỉnh, thành phố đã có dự án đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả tích cực cả về kinh tế lẫn môi trường như: TP.Cần Thơ, TP.Hà Nội.
Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, dự án đã được Ban cán sự Đảng của UBND tỉnh thống nhất trình HĐND tỉnh tại kỳ họp đầu năm 2022, nhưng còn một số vấn đề cần làm rõ nên dự án sẽ trình lại vào kỳ họp chuyên đề dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới.
Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt phát điện tại xã Vĩnh Tân có quy mô diện tích khoảng 12ha, công suất xử lý giai đoạn 1 khoảng 800 tấn/ngày, tạo ra sản lượng điện khoảng 160 ngàn MWh/năm; giai đoạn 2 sau năm 2030 tăng lên 1,2 ngàn tấn/ngày.
Dự án được đề xuất triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO).
Tổng vốn đầu tư khoảng 2 ngàn tỉ đồng từ nguồn chủ sở hữu và huy động, không dùng vốn ngân sách.
Dự án được đề xuất triển khai theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO). Dự án này đáp ứng được các mục tiêu: có công nghệ đốt rác phát điện tốt, đảm bảo xử lý rác thải sinh hoạt của TP.Biên Hòa, H.Vĩnh Cửu và vùng lân cận; giảm tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý còn khoảng 5%; có mức giá xử lý chất thải phù hợp.