Cuộc trò chuyện của Thủ tướng và người nông dân trên cánh đồng nguyên liệu kỷ lục thế giới
Sự kiện - Ngày đăng : 14:35, 28/07/2022
Đồng đất mang lại cuộc sống ấm no này từng thuộc về những nông trường kém hiệu quả một thời.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Đông Hiếu, Nghĩa Đàn, Nghệ An lúc gần trưa, thời điểm gần nóng nhất trong ngày của khí hậu khắc nghiệt vùng Bắc Trung Bộ. Cùng đoàn công tác tham quan cánh đồng công nghệ cao phục vụ thức ăn cho bò sữa TH true MILK, Thủ tướng đi bộ rất nhanh trên con đường đất đỏ bazan chói nắng, hai bên là bạt ngàn những hàng ngô mập mạp, cao ngang đầu người. Chuyến thăm của Thủ tướng tới TH bắt đầu ở đây – những cánh đồng nguyên liệu thức ăn cho bò sữa, mang lại nguồn thu lớn cho các nông hộ, từ chính đồng đất của những nông trường kém hiệu quả một thời.
Những cánh đồng xanh mát rộng mênh mông tại Đông Hiếu thời điểm này đang trồng ngô sinh khối, cây ngô mới 2,5 tháng tuổi nhưng đã chuẩn bị được thu hoạch, và có thể được bán với giá cao hơn, tính tổng thể thì cho ra thu nhập cao gấp đôi so với trồng ngô lấy hạt. Và không chỉ ở Đông Hiếu, khắp vùng miền Tây Nghệ An ra đến gần Thanh Hóa, người ta có thể thấy những ruộng ngô ngắn ngày nhưng hiệu quả kinh tế cao như thế này, nó chính là sinh kế tuyệt vời cho người nông dân từng bám các nông trường kém hiệu quả trước đây. Dăm bảy năm trước, họ được các kỹ thuật viên của TH thuyết phục thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng cây ngô sinh khối – cung cấp nguyên liệu sản xuất thức ăn thô xanh cho gần 70.000 bò sữa TH true MILK.
Tập đoàn TH không chỉ hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp miễn phí nước, phân bón để cải tạo đất mà còn đảm bảo bao tiêu sản phẩm và thu mua không giới hạn miễn đủ tiêu chuẩn chất lượng. Thoát nghèo, vượt khó, cuộc sống của người nông dân liên kết với TH khấm khá lên từ đó. Nhiều gia đình giờ đây có cơ ngơi khang trang, sở hữu cả ô tô riêng chưa kể các máy móc cơ giới cỡ nhỏ…
“Làm giàu trên đất nông nghiệp là rất khó”, TH nỗ lực vì sự cường thịnh của đất nước
Trực tiếp trò chuyện ngay tại cánh đồng với một đại diện nông dân ở xóm Phú Lợi, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi: “Bác cho biết cách làm cụ thể ở đây như thế nào?”. Ông Hoàng Văn Thanh trả lời: Tập đoàn TH hướng dẫn kỹ thuật cho dân trồng ngô sinh khối, hỗ trợ miễn phí nước phân rất tốt cho trồng trọt và không cần dùng đến phân vô cơ. Một năm chúng tôi có thể trồng ba đến bốn vụ ngô sinh khối, thời gian mỗi vụ chỉ ba tháng đổ lại thay vì trước đây trồng một vụ ngô lấy hạt mất bốn đến năm tháng mà doanh thu mỗi vụ lại thấp hơn. TH bao tiêu đầu ra, bao nhiêu ngô cũng thu mua miễn là đạt chất lượng. Đến nay người dân quanh vùng chúng tôi đều tập trung hợp tác với TH.
Lắng nghe câu chuyện, Thủ tướng Phạm Minh Chính tổng kết: “Như vậy, phải có doanh nghiệp, có khoa học công nghệ, có giống, cộng với tích luỹ ruộng đất, cánh đồng lớn, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi thì mới mang lại hiệu quả. Kết hợp thứ nhất là giữa người nông dân, doanh nghiệp. Kết hợp thứ hai là giữa doanh nghiệp và nhà khoa học. Kết hợp thứ ba là giữa doanh nghiệp, nông dân, thị trường. Kết hợp thứ tư là giữa trồng trọt và chăn nuôi. Kết hợp thứ năm là giữa sản xuất nhỏ nâng lên sản xuất lớn, cánh đồng mẫu lớn, người nông dân góp vốn, góp đất, góp sức lao động. Từ đó mang lại những hiệu quả cao hơn so với bình thường”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quang Chính, nông dân xóm Tân Thuận, Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An nhẩm tính thu nhập của gia đình ông từ ngô sinh khối. “Nhà tôi có diện tích đất gieo trồng là 16,39 sào, hơn 1,6 ha. Năm vừa qua, thu nhập từ ngô sinh khối là 73 triệu đồng cho 2 vụ. 2 vụ này là 2 vụ “chắc” – nghĩa là chắc chắn có tiền bỏ túi, chứ không có nguy cơ mất mùa như trồng ngô gieo hạt trước đây”, ông Chính chia sẻ.
Trước đây, trên chính những cánh đồng này, ông Trần Quang Chính, ông Hoàng Văn Thanh cùng các nông hộ khác canh tác ngô lấy hạt. Một vụ kéo dài từ 4-5 tháng, 120-150 ngày. Đất miền Tây nắng nóng, hàng năm bị ngập lụt theo tiết tiểu mãn. Nước hết mới gieo trỉa được. Thời gian phát triển của ngô nếu rét quá thì kéo dài, cây chậm phát triển. Ngô lấy hạt thì trên 3 tháng mới thu hoạch được. Gieo trỉa muộn thì lại vấp nắng. Ngô để bẻ lấy hạt chỉ được một vụ thôi, vụ thứ 2 là có thể bị lụt, rất bấp bênh.
“Nhà tôi giờ ổn định, có ô tô. Tôi đã đầu tư xe benz đi khai thác rừng, một xe tải chở ngô cho TH và một chiếc xe con Chevrolet Cruze. Thời gian trước thì tôi không bao giờ nghĩ sẽ có cơ ngơi đó… Ở trong xóm, nhìn bề nổi cũng thấy đời sống của người dân khác hẳn. Trước đây nhà cửa tuềnh toàng. Giờ nhà nào cũng xây to. Xe ô tô thì rất nhiều. Các xe tải, xe cơ giới làm nông nghiệp thì nhà nào cũng có”, ông Trần Quang Chính cho biết.
Vùng Tân Kỳ hiện có hơn 1.000 ha trồng ngô sinh khối bán cho TH. Ít nhất mỗi năm 2 vụ, riêng Tân Kỳ đã bán cho TH hơn 50.000 tấn trên tổng số 140.000 tấn mà TH thu mua mỗi năm.
Ứng dụng công nghệ cao khép kín, điểm đặc biệt của mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn của TH là đã đưa những người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất công nghệ cao, hài hòa lợi ích kinh tế – xã hội – môi trường một cách bền vững. Rời cánh đồng Đông Hiếu, Thủ tướng bày tỏ vui mừng: “Khi tôi hỏi người lao động ở đây về cuộc sống của họ sau khi tham gia cùng Tập đoàn TH, mọi người nói rằng đời sống được nâng lên, năm sau khá hơn năm trước, tôi rất vui và mong mọi người cố gắng tiến tới làm giàu, sung túc. Làm giàu trên đất nông nghiệp là rất khó, tôi mong Tập đoàn TH tiếp tục nỗ lực để thực hiện mục tiêu cao cả vì sự cường thịnh của đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Nơi khởi đầu chuỗi sản xuất tuần hoàn, khép kín công nghệ cao của TH true MILK
Bắt đầu triển khai từ những năm 2010, cánh đồng tại xã Đông Hiếu đã trở thành mô hình điểm của chính sách tích tụ ruộng đất. Tại đây, Tập đoàn TH tiến hành thu mua đất từ các nông lâm trường đang trên bờ vực phá sản, kết hợp với liên kết ruộng đất của người nông dân để hình thành một cánh đồng mẫu lớn, với 60% diện tích của tập đoàn và 40% diện tích liên kết với người nông dân, được Tập đoàn bao tiêu đầu ra.
Đến nay, vùng nguyên liệu của TH tại Nghĩa Đàn, với những cánh đồng mẫu lớn như tại Đông Hiếu, có tổng diện tích 8.100 ha, cung cấp lượng thức ăn cho đàn bò sữa quy mô tiệm cận 70.000 con của Cụm trang trại bò sữa tập trung công nghệ cao với quy trình sản xuất khép kín quy mô lớn nhất thế giới (do Liên minh Kỷ lục thế giới ghi nhận năm 2020).
Được biết, để đảm bảo nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò khổng lồ của trang trại TH, phần ngô sinh khối bao tiêu liên kết với nông dân quanh vùng mới chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng khối lượng nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn cho bò sữa. TH vẫn chủ yếu tự trồng ngô sinh khối, cao lương, cỏ mombasa, cỏ mulanto, hướng dương, cây họ đậu..., tạo sự chủ động hoàn toàn từ khâu đầu tiên của quy trình khép kín và tuần hoàn. Nhiều người biết Tập đoàn TH có cánh đồng hướng dương hàng trăm ha, rộng nhất Việt Nam nhưng không nhiều người biết TH còn sở hữu cánh đồng cỏ mombasa hàng ngàn ha. Với gần 2.300 ha trồng tập trung, cánh đồng cỏ mombasa của TH đã được Liên minh Kỷ lục thế giới ghi nhận là rộng nhất thế giới.
“Chúng tôi sở hữu những máy móc hiện đại nhất phục vụ tất cả các khâu từ gieo trồng đến thu hoạch, máy đóng bánh cỏ khô, hệ thống giàn tưới tự động làm thay việc của cả trăm con người một lúc, ứng dụng app thông minh đo độ ẩm của đất…” – anh Nguyễn Lê Thăng, Phó Tổng GĐ Cty Agitech thuộc Tập đoàn TH giới thiệu những cỗ máy nông nghiệp “hàng khủng” đang ầm ào làm việc xung quanh.
Công nghệ cao được ứng dụng ở tất cả các khâu của quy trình chăn nuôi bò sữa và sản xuất dòng sữa tươi sạch TH true MILK: Công nghệ quản lý đàn bò Afifarm của Israel; Công nghệ quản trị thú y của TotallyVETS - New Zealand; Công nghệ phối chế khẩu phần và quản lý thức ăn của Israel, Công nghệ lọc nước uống cho bò của Amiad -Israel; Công nghệ xử lý nước thải Aqua - Hà Lan; Công nghệ chế biến phân Compost của Nhật Bản…
“Bằng việc tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0 một cách mẫu mực trong sản xuất nông nghiệp và chế biến cùng khoa học quản trị theo chuỗi, Tập đoàn TH đã xây dựng một mô hình nông nghiệp điển hình gắn với phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, dẫn lối, định hình cho nền nông nghiệp công nghệ cao ở Nghệ An và cả nước”, bà Thái Hương – Nhà Sáng lập, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH tự hào chia sẻ.