Phát hiện người mắc bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM sẽ xử lý như thế nào?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:20, 28/07/2022

Hiện nay chưa có quy định cách ly đối với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Trong trường hợp  người bệnh dương tính với bệnh đậu mùa khỉ thì phải tự cách ly tại nhà 21 ngày.

Nếu mắc bệnh, tự cách ly 21 ngày tại nhà

Liên quan đến việc giám sát bệnh đậu mùa khỉ tại TP.HCM, chia sẻ với báo chí vào chiều 28.7, ông Nguyễn Hồng Tâm – Phó giám đốc điều hành Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết hiện đơn vị này đang triển khai đồng loạt các biện pháp giám sát từ cửa khẩu đến cộng đồng.

phat-hien-benh0-dau-mua-khi-tai-tphcm-se-xu-ly0nhu-the-nao-hinh-anh(1).png
Bệnh đậu mùa khỉ được xác định là khó lây nhiễm hơn bệnh COVID-19 - Ảnh: PV

Hiện nay Việt Nam xếp vào nhóm 1 (chưa có ca lây nhiễm), nên điều quan tâm đầu tiên là ngăn chặn từ cửa khẩu. Tất cả các hành khách nhập cảnh vào cửa khẩu đều phải đo nhiệt độ. Ngoài ra, bệnh này còn có bóng nước, ngành y tế khuyến cáo các trường hợp có triệu chứng trên phải đến bộ phận kiểm dịch ở sân bay để khám sơ bộ và hướng dẫn về nhà tự theo dõi.

Trong trường hợp bệnh nhân có những triệu chứng nghi ngờ, có tiền sử tiếp xúc với người mắc bệnh đậu mùa khỉ sẽ được khuyến cáo đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP và một số cơ sở y tế khác để thực hiện xét nghiệm PCR. “Hiện nay chúng ta chưa có quy định cách ly đối với người mắc bệnh đậu mùa khỉ. Vì vậy, trong trường hợp xét nghiệm PCR dương tính với bệnh đậu mùa khỉ thì bệnh nhân tự cách ly tại nhà 21 ngày.  Dù bệnh đậu mùa khỉ đã có vắc xin phòng ngừa, nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên bệnh nhân mắc bệnh chỉ điều trị triệu chứng”, ông Tâm cho biết.

Bệnh không nguy hiểm bằng COVID-19

Theo ông Tâm, bệnh đậu mùa khỉ có liên quan đến bệnh đậu mùa ở người trước đây. Bệnh được phát hiện đầu tiên trên đàn khỉ vào năm 1958 nên có tên là bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh cũng có thể xuất hiện ở các động vật khác như cóc, chuột… Đến năm 1970, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở người từ khỉ lây sang và chỉ khu trú ở vùng Tây Phi, không lây qua các nước khác. Thời gian này, bệnh đậu mùa khỉ chỉ lây từ động vật sang con người.

Tuy nhiên đến năm 2022, bệnh đã bắt đầu lây sang các nước khác và có dấu hiệu từ người sang người. Lúc này cho thấy, bệnh đậu mùa khỉ đã nguy hiểm hơn trước. “Trước đây, nếu chúng ta không tiếp xúc với động vật hoang dã thì sẽ không thể lây bệnh này; còn giờ thì đã lây từ người sang người”, ông Tâm nói.

Theo công bố mới nhất của Tổ chức y tế thế giới, hiện đã có 75 quốc gia xuất hiện bệnh đậu mùa khỉ với trên 16.000 người mắc, nhưng chỉ có 5 trường hợp tử vong ở châu Phi

Tuy nhiên, qua theo dõi tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, nhận thấy có sự đột biến và càng lúc càng lây nhanh nên Tổ chức y tế thế giới lo ngại và đã công bố tình trạng khẩn cấp, sau đó Bộ Y tế và Sở Y tế đã có những động thái về căn bệnh này. “Tuy bệnh đậu mùa khỉ lây lan nhanh, nhưng tỷ lệ tử vong không cao”, ông Tâm nhận định.

Theo ông Tâm, thời gian ủ bệnh của bệnh đậu mùa khỉ là từ 5 đến 21 ngày, sau đó xuất hiện triệu chứng sốt, nổi hạch, phát ban (nổi mụn đỏ, mụn nước, mủ)… kéo dài từ 2 đến 3 tuần. Bệnh lây truyền qua dịch tiết, giọt bắn và qua các vết thương, chứ không lây truyền qua không khí như là bệnh COVID-19.

“Điều này có nghĩa việc lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ cũng khó hơn so với bệnh COVID-19. Chỉ những người tiếp xúc trực tiếp da với nhau, hoặc những người bị thương chạm vào vết thương hay sờ vào các đồ vật có vết thương hở sẽ lây qua. Việc lây lan này xảy ra nhiều ở những người đồng tính nam, do có quan hệ tình dục đồng tính”, ông Tâm nói.   

Hồ Quang