Bị Nga cắt khí đốt, Đức cân nhắc hoãn kế hoạch bỏ điện hạt nhân

Chuyển động - Ngày đăng : 08:37, 29/07/2022

Việc Nga tiếp tục cắt lượng khí đốt cung cấp buộc Đức phải cân nhắc kế hoạch đóng cửa 3 nhà máy điện hạt nhân còn lại vào cuối năm nay.

Diễn biến trên rất đáng chú ý vì Đức đã loại bỏ dần điện hạt nhân kể từ khi xảy ra thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3.2011 tại Nhật. Phong trào chống hạt nhân ở quốc gia châu Âu này cũng bắt đầu từ rất sớm - những năm 1970.

Hồi tháng trước, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã từ chối đề xuất kéo dài thời gian hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh đất nước lâm vào khủng hoảng năng lượng thì cả đảng Xanh vốn ra đời từ phong trào chống hạt nhân cũng không còn cứng rắn như trước.

Chính trị gia đứng đầu đảng Xanh Ricarda Lang phát biểu: “Chúng ta cần hành động theo tình hình hiện tại, xem xét mọi biện pháp. Chúng ta phải ngăn chặn làn sóng đói nghèo”.

biwired.jpg
Đức có thể đảo ngược kế hoạch loại bỏ điện hạt nhân đã thực hiện hơn 1 thập kỷ nay - Ảnh: The Wired

Gần như toàn bộ khí đốt mà Đức sử dụng là nhập khẩu, trong đó khí đốt Nga chiếm đến 35%. Khí đốt chiếm khoảng 1/4 trong cơ cấu năng lượng đất nước.

Thời gian gần đây Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Đức qua đường ống Nord Stream 1 - đến nay chỉ còn 20% công suất. Nguồn cung giảm mạnh khiến giá khí đốt châu Âu tăng gấp 3 lần, kéo theo tiền điện tăng.

Đầu tháng 7, người đứng đầu các tổ chức công đoàn tại Đức cảnh báo ngành công nghiệp có thể sụp đổ nếu Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn cung. Ngày 25.7 một thước đo phổ biến về niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6.2020 trong bối cảnh thiếu hụt khí đốt và lạm phát cao.

Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Ifo Clemens Fuest nhận định: “Các công ty đều dự đoán việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn trong vài tháng tới. Họ không hài lòng với tình hình hiện tại. Đức đang đứng trước bờ vực suy thoái”.

Cẩm Bình