Cái bắt tay triệu đô - Ngôn ngữ cơ thể và giao tiếp phi ngôn từ
Văn hóa - Ngày đăng : 15:00, 29/07/2022
Vì ngôn ngữ cơ thể mang tính chủ quan nên trong đa số trường hợp, bạn phải xem xét nhiều tín hiệu mới có thể đánh giá xem người kia có thật sự hứng thú với cuộc trò chuyện hay không.
Nên và không nên
Hành động khoanh tay trước ngực có thể ngụ ý rằng bạn muốn tạo khoảng cách với đối phương, không thích những gì họ nói hoặc không cảm thấy thuyết phục. Ngay cả việc ôm một tập hồ sơ trước ngực cũng có thể mang một ý nghĩa mà bạn không hề ngờ tới, đó là tạo sự ngăn cách giữa bạn với người đối diện. Tư thế khoanh tay có thể được hiểu là bạn đang thu mình và không muốn tham gia trò chuyện, nhưng thực tế đôi khi lại đơn giản là bạn thấy lạnh, mệt mỏi hoặc không thoải mái.
Nếu tham dự một sự kiện xã giao, chắc hẳn bạn sẽ không muốn bắt chuyện với một người đang khoanh tay. Bản thân người đó có thể cảm thấy thoải mái khi khoanh tay, nhưng cử chỉ đó lại khiến họ có vẻ khó gần và làm cho người khác e dè. Nếu bạn có thói quen này, hãy lập tức điều chỉnh.
Mỗi cử chỉ có thể được hiểu theo nhiều cách, vì vậy bạn cần lưu ý về một số việc nên và không nên làm như sau:
Nếu bạn muốn chỉ cho người khác thấy một điều gì đó hấp dẫn thì khi đưa tay ra để chỉ, hãy duỗi thẳng cánh tay và để ngửa mặt trong của cẳng tay cũng như lòng bàn tay. Đây là một động tác đơn giản, lịch sự, thường được sử dụng trong các trò chơi truyền hình để chỉ cho người chơi thấy phần thưởng hoặc vị trí mà họ cần di chuyển đến. Ngược lại, dùng ngón tay để chỉ với lòng bàn tay và mặt trong của cẳng tay úp xuống sẽ tạo cảm giác như bạn đang ra lệnh hay chỉ đạo người khác, khiến họ cảm thấy bị ép buộc và có thể sẽ không muốn nghe theo.
Hãy kiểm soát phong thái mà bạn thể hiện qua các động tác. Nếu cứ cúi gằm mặt trong lúc nói chuyện với người khác thì bạn sẽ khiến bản thân bị yếu thế, vì lúc đó trông bạn có vẻ không chắc chắn, không biết mình đang nói gì hoặc vẫn đang tìm kiếm câu trả lời. Việc bạn cúi đầu xuống còn có thể làm cho tóc phủ lòa xòa trước mặt, buộc bạn phải vuốt hoặc hất tóc ra phía sau. Động tác này có thể gây hệ quả là khiến đối phương mất tập trung và không còn chú ý lắng nghe bạn nữa.
Gãi gáy là dấu hiệu cho thấy bạn đang lúng túng trước một câu hỏi khó, hoặc đang bị đối phương làm cho bối rối đến mức ngứa ngáy chân tay.
Hành động vuốt tóc sẽ khiến bạn trông như đang tán tỉnh đối phương, nhưng cũng có thể biểu lộ là bạn đang lo lắng và khiến người đối diện cảm thấy bồn chồn theo.
Nếu không nhìn người đang đối thoại với mình mà nhìn vào khoảng không gian phía sau lưng họ, bạn sẽ bị cho là không tập trung, coi thường đối phương hoặc muốn chuyển sang chủ đề khác.
Nhiều người sẽ mặc định hành động liếc nhìn đồng hồ có nghĩa là bạn muốn rời đi và không muốn lắng nghe họ nữa, dù bạn không hề có ý đó. Không những thế, khi có ai đó nhìn đồng hồ, một số người còn có cảm giác bị hối thúc vì sắp hết giờ.
Việc bạn liên tục thay đổi tư thế có thể được hiểu là bạn đang hồi hộp, lo lắng, không thoải mái, buồn chán. Đó cũng có thể là biểu hiện của sự lúng túng, khó xử, chẳng hạn như khi bạn bị hỏi những câu hỏi khó, khi bạn cho rằng mình không thể kiểm soát tình hình hay vừa lỡ lời.
Một số bí quyết hữu ích
Yếu tố then chốt để giúp bạn có được ngôn ngữ cơ thể tích cực chính là khả năng tự nhận thức. Bạn cần nắm rõ những tín hiệu mà bạn đang truyền đi cũng như các loại mùi mà người khác có thể ngửi thấy khi đứng gần bạn (chẳng hạn như mùi nước hoa quá nồng, mùi thuốc lá, hơi thở có mùi cà phê), đồng thời bạn cũng cần học cách vận dụng ngôn ngữ không lời để đạt được hiệu quả giao tiếp cao nhất.
Hãy đánh giá ngôn ngữ cơ thể của bản thân bạn. Bạn có thể nhờ một người bạn xác định những thói quen mà bạn không để ý đến nhưng có thể làm người khác khó chịu như cắn móng tay, gãi đầu hay chau mày. Những cử chỉ này có thể sẽ khiến bạn trông có vẻ căng thẳng hoặc không đáng tin cậy, gây bất lợi cho bạn trong cuộc họp hoặc buổi phỏng vấn.
Hãy nỗ lực từ bỏ những thói quen xấu. Ví dụ, nếu bỏ được tư thế khòm lưng khi ngồi ở bàn làm việc, bạn tự nhiên sẽ có thể ngồi thẳng lưng khi vào phòng họp mà không còn phải cố gắng nữa.
Nếu bạn thấy căng thẳng khi chuẩn bị bắt tay người khác, hãy đứng thẳng, ngẩng mặt lên, mỉm cười và nhìn vào mắt đối phương. Ngay lập tức, bạn sẽ cảm thấy mình đang làm chủ tình thế, còn người kia cũng thấy được sự tự tin toát ra từ bạn và trở nên thoải mái hơn. Chỉ bằng những thay đổi đơn giản về tư thế và biểu cảm gương mặt, bạn đã giải tỏa được cảm giác căng thẳng. Nhưng bạn phải thật sự tin rằng mình tự tin thì mới có thể duy trì phong thái tự tin đó. Nếu chỉ tự tin bằng ngôn ngữ cơ thể, bạn sẽ nhanh chóng rơi vào trạng thái căng thẳng hoặc lo lắng như ban đầu. Đó là lý do vì sao chúng ta cần tiến thêm một bước nữa để tạo nên sự thay đổi bền vững trong ý thức và kích hoạt tư duy triệu đô.
Nói cách khác, chúng ta cần thay đổi những điều chúng ta tin và cách chúng ta nhìn nhận về bản thân mình, về người khác hay về một tình huống bất kỳ theo hướng tích cực. Chúng ta cần phát triển lối tư duy của mình để nó tương thích với ngôn ngữ cơ thể của chúng ta, tạo nên sự hòa hợp giữa tâm trí với cơ thể và cảm xúc, từ đó gặt hái những kết quả tích cực.