Cà Mau: Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 23:48, 29/07/2022
Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến
Trước sự tác động của biến đổi khí hậu khiến tình hình thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay đã gây ra nhiều khó khăn trong sản xuất. Cùng với đó, do tập quán canh tác của người dân, nhất là đối với việc chú trọng sử dụng phân bón hóa học không đúng cách làm đất dần bị thoái hóa, không đạt hiệu quả năng suất cao.
Để góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, tăng giá trị sản lượng và giúp bà con nông dân có thu nhập ổn định, các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân lựa chọn các giống lúa đạt tiêu chuẩn, năng suất cao, chất lượng, phù hợp với điều kiện canh tác địa phương.
Sau khi được hướng dẫn, bà con nông dân đã lựa chọn những giống lúa chất lượng để canh tác, chủ yếu là giống OM18 chiếm 52,1%, đài thơm 8 chiếm 20%, ST24 và ST25 chiếm 19,5%, OM5451 chiếm 3,3%, OM576 chiếm 2%, còn lại giống khác (VNR-20, hương châu 6, OM6162....) chiếm 3,1%.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, trong những tháng đầu năm 2022, tổng diện tích sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh đạt hơn 110.900ha và đã thu hoạch được hơn 75.700ha, với sản lượng trên 380.450 tấn. Trong đó, lúa vụ mùa có diện tích hơn 40.450ha, đạt sản lượng trên 165.900 tấn; lúa đông xuân có diện tích 35.273ha đạt sản lượng trên 214.480 tấn; lúa hè thu có diện tích khoảng 35.244ha.
Để diện tích lúa của bà con nông dân đạt năng suất, chất lượng, các cơ quan chuyên môn trong tỉnh thường xuyên phối hợp với địa phương bám sát đồng ruộng và hướng dẫn người dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như, lựa chọn phân bón và bón phân đúng cách, theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của cây lúa và diễn biến sâu bệnh hại để cùng bà con có hướng xử lý kịp thời…
Sản xuất tập trung để tạo sản phẩm đặc thù
Là một trong những địa phương nhận được sự quan tâm của cơ quan chuyên môn, tình hình sản xuất lúa của người dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời đã từng bước được cải thiện và đạt hiệu quả.
Nếu như trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện có quy mô nhỏ lẻ, lạc hậu, sản lượng, chất lượng thấp theo hướng truyền thống là chính thì đến nay đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế gắn với chế biến, cho năng suất, chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Cây lúa là đối tượng cây trồng chính giữ vai trò chủ đạo của huyện, với diện tích canh tác trên 30.000ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 310.000 tấn. Tỷ lệ nông dân sử dụng lúa giống cấp xác nhận đạt trên 85%.
Nhờ phối hợp với cơ quan chuyên môn trong canh tác, bà con nông dân trên địa bàn huyện Trần Văn Thời ngày càng quan tâm đến việc giảm lượng giống trong gieo sạ, áp dụng sản xuất theo hướng an toàn.
Ông Thái Thành Năm, ngụ xã Khánh Bình, huyện Trần Văn Thời, cho biết, gia đình ông có gần 20 công đất sản xuất lúa. Trước đây, do ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh nên cũng không trúng mùa. Nhờ sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn cùng với đội ngũ kỹ sư nông nghiệp đến tận nhà tìm hiểu tình hình sản xuất và hướng dẫn kỹ từng khâu, từ chọn giống gieo sạ đến cách theo dõi cây lúa phát triển,… nên những năm qua gia đình ông Năm luôn trúng mùa, sản lượng lúa thu hoạch đạt năng suất hơn 15 tấn/vụ.
“Giống lúa được tôi sử dụng là giống OM18. Khi thăm đồng phát hiện sâu bệnh hoặc điều bất thường thì tôi sẽ được hướng dẫn cách lựa chọn loại thuốc và cách phun thuốc an toàn để bảo vệ cây lúa phát triển. Tôi cảm thấy, hiện nay nếu nông dân chúng tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm lâu năm trong canh tác lúa thì vẫn chưa đủ, cần phải có sự phối hợp với cơ quan chuyên môn để nhanh chóng nắm bắt các kỹ thuật mới, từ đó áp dụng vào canh tác đạt năng suất cao”, ông Năm chia sẻ.
Ông Phạm Trường Giang, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau), nói: “Trong quá trình đồng hành cùng bà con nông dân sản xuất lúa an toàn, đạt năng suất, chúng tôi nhận thấy vẫn còn nhiều bà con có tư duy canh tác theo hướng truyền thống. Do vậy, việc quan tâm, hỗ trợ bà con tiếp cận với các kỹ thuật mới để sản xuất đạt hiệu quả là điều rất cần thiết.
Thấy được điều đó, chúng tôi luôn tăng cường bám sát cơ sở để nắm bắt tình hình, không chỉ hướng dẫn bà con lựa chọn giống lúa phù hợp mà còn tập huấn cách theo dõi, xử lý khi phát hiện cây lúa có dấu hiệu bất thường và chủ yếu là bị sâu bệnh gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng. Nhìn chung, hầu hết bà con đều chưa nắm bắt các kiến thức, kỹ thuật về sử dụng các loại thuốc phun xịt bảo vệ đồng ruộng.
Từ đó, không chỉ không loại trừ được mầm bệnh gây hại cây lúa mà còn ảnh hưởng đến năng suất vụ mùa thu hoạch. Vì vậy, chúng tôi đã đẩy mạnh thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn bà con các kiến thức cơ bản cũng như kỹ thuật trong bón phân, sử dụng thuốc phun xịt bảo vệ cây lúa đạt năng suất”.