Chuyên gia cảnh báo hậu quả của hợp tác kinh tế Indonesia-Trung Quốc
Quốc tế - Ngày đăng : 00:28, 30/07/2022
Tổng thống Indonesia đã có chuyến thăm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc trong ba ngày 26, 27 và 28.7, nhằm tăng cường quan hệ đối tác thương mại và đầu tư với các đối tác kinh tế gần cận nhất của Indonesia, vào lúc có những cảnh báo một sự suy thoái toàn cầu.
Tại Bắc Kinh, Tổng thống Widodo đã gặp và nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường.
Sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố chung giữa Trung Quốc với Indonesia, nêu “hai nước là điển hình về các nước đang phát triển lớn tìm kiếm sức mạnh thông qua đoàn kết và hợp tác đôi bên cùng có lợi”.
Theo bà Veronika S. Saraswati, một chuyên gia về Trung Quốc ở Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS), nói Indonesia đang tích cực tăng cường đối tác kinh tế và chiến lược với Trung Quốc.
Bà nói với báo Đức Deutsche Welle (DW): “Quan hệ đối tác chiến lược giữa Indonesia với Trung Quốc, cũng như giữa Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc đã được lập từ lâu. Chúng tôi đã ghi nhận quan hệ thương mại giữa Indonesia với chúng tôi đã tăng đều trong thời gian qua”.
Bà Saraswati còn nói Indonesia và Trung Quốc có quan hệ ngoại giao lâu dài và lịch sử giao thương, và Tổng thống Widodo muốn củng cố các quan hệ này đồng thời đàm phán về môi trường kinh tế “hỗn loạn” hiện nay.
Indonesia, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, là nguồn cung cấp than đá, hợp kim sắt và niken, đồng và khí đốt tự nhiên cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Năm 2021, thương mại song phương giữa Indonesia và Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 100 tỉ USD, đạt 110 tỉ USD.
Trung Quốc còn là đối tác thương mại lớn nhất của Indonesia trong 9 năm liên tiếp và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Indonesia trong 6 năm liên tiếp.
Trung Quốc cũng là nhà đầu tư lớn thứ ba ở Indonesia (sau Singapore và Hồng Kông) với tổng giá trị đầu tư lên tới 3,2 tỉ USD trong năm 2021.
Bhima Yudhistira, một nhà kinh tế học và là tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật (CELIOS, một tổ chức nghiên cứu ở Indonesia) nói với Deutsche Welle rằng Tổng thống Widodo muốn cân bằng thương mại giữa phương Tây với Trung Quốc.
Ông nói : “Chúng tôi đã nhập khẩu rất nhiều khí tài quân sự từ Mỹ và Liên minh châu Âu. Nhưng về các sản phẩm khác, chúng tôi nhập nhiều từ Trung Quốc”.
Tuy nhiên, ông Yudhistira nói Indonesia đang chật vật tìm các thị trường xuất khẩu mới cho các dòng sản phẩm của mình, vào lúc có nhiều sản phẩm đến từ Trung Quốc.
Ông nhận định chuyến đi của ông Widodo nhằm “đề nghị hoặc năn nỉ các quốc gia đối tác tiêu thụ nguồn cung thừa ở Indonesia”, như dầu cọ thô vốn bị tác động bởi lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm này trong một tháng hồi đầu năm nay.
“Chúng tôi đã mất nhiều khi Ấn Độ hiện nhận nguồn cung ứng từ Malaysia. Bây giờ, chúng tôi có thể bán nguồn dầu cọ cho ai ? Trung Quốc không sẵn sàng mua chúng”, ông Yudhistira nói.
Nhưng Tổng thống Indonesia đã thành công trong việc vận động Trung Quốc nhập khẩu 1 triệu tấn dầu cọ thô, đồng thời ưu tiên việc nhập khẩu nông sản từ Indonesia, theo Ngoại trưởng Retno Marsudi của Indonesia cho biết.
Dù vậy, việc chọn Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu cũng dẫn đến các vấn nạn. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Indonesia nhưng do Trung Quốc tài trợ đã gặp nhiều trắc trở do lập kế hoạch kém và tác động xấu đến môi trường.
Ông Yudhistira cảnh báo rằng nếu chính quyền Indonesia không giám sát kỹ, các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ có thể gây hậu quả lâu dài cho nền kinh tế Indonesia.
Nhà kinh tế học nói thêm rằng sẽ là một sai lầm, nếu chính quyền phớt lờ các tác động tiêu cực lâu dài, do Trung Quốc chi rất nhiều tiền mà Indonesia hiện rất cần.
Ông nói : “Chúng tôi phải học cách chọn lọc như Malaysia. Họ không đồng ý với tất cả các dự án, nhưng mà lựa chọn các dự án sẽ có ích cho xã hội và cho môi trường”.