Bộ trưởng Công Thương: Giá xăng dầu đã được kéo thấp so với nhiều nước

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 14:01, 30/07/2022

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá xăng dầu tại Việt Nam đã được kéo về mức thấp so với trước và so với nhiều nước trong khu vực.

Trong cuộc đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ngày 30.7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết giá xăng dầu tại Việt Nam đã được kéo về mức thấp so với trước và so với nhiều nước trong khu vực. Theo ông Diên, điều này có lợi cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Bộ trưởng Diên cũng khẳng định Việt Nam bảo đảm không thiếu điện trong năm 2022 và 2023, dù có thể thiếu hụt hoặc gián đoạn cục bộ, nhất là do thời tiết nắng nóng; đặc biệt là không thiếu điện cho các khu công nghiệp và sản xuất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng bối cảnh hiện nay có nhiều khó khăn, thách thức khi tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, chưa có tiền lệ; kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy.

thu-tuong-2.jpeg
Thủ tướng đối thoại với các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam - Ảnh: VGP

Theo đó, riêng năm 2022, GDP quý 2 tăng 7,72% (tốc độ cao nhất trong 11 năm qua), góp phần quan trọng vào mức tăng 6,42% của 6 tháng đầu năm và tăng trưởng quý 3 có thể cao hơn. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về Việt Nam và WB, IMF, ADB dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng khá cao trong năm 2022.

Tuy nhiên, Việt Nam xác định khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi và thời cơ. Nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên số 1 hiện nay là tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, ổn định đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Hiện nay, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (sau Trung Quốc và Mỹ). Năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) hai chiều đạt 78 tỉ USD (gấp hơn 150 lần năm 1992), chiếm 11,6% tổng kim ngạch XNK của Việt Nam.

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, hiện đang đầu tư ở 19/21 ngành kinh tế và 59/63 tỉnh thành với 9.383 dự án đang hoạt động, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 80 tỉ USD. 7 tháng đầu năm 2022, Hàn Quốc đứng thứ 2/72 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 3,3 tỉ USD. Trong năm 2021, riêng Samsung điện tử Việt Nam tạo ra 1,7 triệu tỉ đồng doanh thu; chiếm tỷ trọng 13,6% trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

“Chúng tôi luôn coi Hàn Quốc là đối tác chiến lược quan trọng hàng đầu và lâu dài; mong muốn cùng Hàn Quốc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hai nước với trụ cột và động lực quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại và đầu tư”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh những thành tựu tốt đẹp của 30 năm hợp tác, sự tương đồng về lợi ích chiến lược giữa hai bên sẽ là động lực để hướng tới nâng tầm quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”; thắt chặt hơn nữa sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quốc gia ngày càng bền chặt, sâu sắc, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, phồn vinh, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng cho rằng tinh thần tiếp tục hợp tác, chân thành, tin cậy, hiệu quả giữa hai bên là “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, cân đối hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

thu-tuong.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu - Ảnh: VGP

Thủ tướng cũng chia sẻ rằng Việt Nam mong muốn sẽ có thêm nhiều dự án hợp tác, đầu tư của Hàn Quốc thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển (như công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng...). Đồng thời có sự lan tỏa, cam kết hợp tác, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị (tăng nhanh hơn nữa tỷ lệ nội địa hóa và nâng cao phần giá trị gia tăng của Việt Nam; bảo đảm hài hòa hơn nữa lợi ích của hai bên trong hoạt động đầu tư tại Việt Nam); thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của Việt Nam.

“Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp Hàn Quốc tăng cường sự liên kết, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất, góp phần đưa Việt Nam sớm trở thành một trung tâm trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu”, Thủ tướng phát biểu.

Về thương mại, Thủ tướng Chính phủ đề nghị tiếp tục tăng cường hoạt động đối thoại chính sách thông qua cơ chế của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA); đồng thời, giải quyết vấn đề mất cân bằng cán cân thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam như nông-thủy sản, hải sản, trái cây vào thị trường Hàn Quốc.

Về phát triển công nghiệp, trọng tâm ưu tiên của Việt Nam là phát triển công nghiệp với hàm lượng công nghệ cao, ưu tiên các công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Đây cũng là lĩnh vực mà Hàn Quốc có thế mạnh, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp, tập đoàn Hàn Quốc tiếp tục hợp tác, đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam.

Lam Thanh