Nghiên cứu của Mỹ: Kinh tế Nga tê liệt do bị phương Tây trừng phạt
Quốc tế - Ngày đăng : 15:41, 30/07/2022
Moscow bác bỏ nghiên cứu này, tuyên bố kinh tế Nga vẫn mạnh, không bị tổn hại và chính phương Tây đang chịu đựng tổn thất vì “đã mở cuộc chiến tranh trả đũa về kinh tế” đối với Nga.
Nhóm chuyên gia của Yale đã sử dụng dữ liệu tiêu dùng cùng các số liệu từ hoạt động ngoại thương và của các đối tác chở hàng để xem xét hoạt động kinh tế Nga sau 5 tháng chiến sự ở Ukraine.
Họ phát hiện vị thế xuất khẩu hàng hóa của Nga đã bị bào mòn một cách không thể lật ngược tình thế được, buộc Nga phải chuyển các thị trường chủ lực từ châu Âu qua châu Á.
Nghiên cứu nêu hoạt động nhập khẩu của Nga đã sụp đổ phần lớn kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine ngày 24.2, và Nga đang phải đối mặt những thách thức lớn trong việc bảo đảm các đầu vào thiết yếu, các linh kiện và công nghệ.
Nhóm chuyên gia phát hiện “sản xuất nội địa của Nga đã đi vào bế tắc hoàn toàn, không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài đã mất. Sự suy giảm khả năng sáng tạo trong nước và nền tảng sản xuất đã dẫn đến việc giá cả tăng và người tiêu dùng tức giận”.
Theo báo cáo nghiên cứu, với khoảng 1.000 công ty toàn cầu rời khỏi Nga, nước này mất đi số công ty chiếm 40% GDP của Nga.
Báo cáo còn nêu giới lãnh đạo Nga đang sử dụng biện pháp can thiệp tài khóa và tiền tệ không bền vững để khắc phục những điểm yếu về cơ cấu kinh tế.
"Ngân sách của chính phủ Nga lần đầu tiên bị thâm hụt, và tài chính đang trong tình trạng eo hẹp nghiêm trọng hơn nhiều so với cách hiểu thông thường”, báo cáo viết thêm. Cùng lúc, nhóm nghiên cứu nói thị trường tài chính Nga hoạt động kém nhất trên thế giới, bị hạn chế khả năng khai thác đầu tư mới để phục hồi nền kinh tế.
Kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, các thông cáo về kinh tế của Điện Kremlin ngày càng được chọn lọc, loại bỏ một cách cố ý những chỉ số bất lợi trong khi chỉ công bố những chỉ số có lợi. Báo cáo viết: “Các số liệu thống kê do Nga lựa chọn sau đó được thổi phồng trên các phương tiện truyền thông”.
Các số liệu mới về sản xuất công nghiệp Nga trong tháng 6 cho thấy sự sụt giảm đáng kể trên một loạt lĩnh vực so với năm ngoái. Ngành lắp ráp xe hơi giảm 89% sản lượng, cáp quang giảm gần 80% sản lượng.
Nhóm nghiên cứu nói Nga không có đường thoát khỏi sự bị cô lập về kinh tế, do phương Tây duy trì sự đoàn kết đối với các lệnh trừng phạt Nga.
Theo trang Deutsche Welle của Đức, một nghiên cứu khác của Viện Các vấn đề quốc tế và an ninh (Đức) được công bố vào tháng 6, cũng cho thấy nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn nghiêm trọng, dù ban đầu đã ổn định tốt khi đối mặt với các lệnh trừng phạt.
Báo cáo nêu: “Ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt chỉ mới bắt đầu bộc lộ. Các vấn đề về chuỗi cung ứng đang gia tăng và nhu cầu giảm nhanh chóng. Về lâu dài, nền kinh tế Nga sẽ trở nên thô sơ hơn khi bị tách rời một phần khỏi thương mại quốc tế. Nhằm tránh căng thẳng xã hội, chính phủ sẽ can thiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp Nga, dẫn đến chủ nghĩa bảo hộ nhiều hơn và dấu ấn của nhà nước sẽ lớn hơn trong nền kinh tế”.