Alibaba bị thêm vào danh sách theo dõi hủy niêm yết chứng khoán Mỹ sau tin xấu về Jack Ma
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:54, 30/07/2022
Động thái diễn ra vài ngày sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc công bố kế hoạch tìm kiếm niêm yết chính trên thị trường chứng khoán Hồng Kông với mục đích đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư của mình.
Theo luật đó, các công ty nước ngoài có thể bị hủy niêm yết nếu không nộp tài liệu kiểm toán cho cơ quan giám sát kế toán Mỹ 3 năm liên tiếp. Điều này có nghĩa là thời gian đếm ngược 3 năm để Alibaba tuân thủ yêu cầu đã bắt đầu.
Alibaba có thể trở thành công ty Trung Quốc lớn nhất bị hủy niêm yết tại Mỹ nếu không đáp ứng yêu cầu pháp lý. Công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu (Trung Quốc) không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận về chuyện này.
Động thái của Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ (SEC) đã khiến cổ phiếu lưu ký của Alibaba tại Mỹ giảm 11% vào ngày 29.7, chốt phiên ở mức 89,37 USD. Alibaba đã mất gần 2/3 mức định giá kể từ khi đạt đỉnh vào cuối năm 2020 trong bối cảnh áp lực pháp lý ở cả Trung Quốc và Mỹ cùng môi trường kinh tế vĩ mô toàn cầu suy yếu.
Ngoài Alibaba, 3 công ty internet Trung Quốc đại lục khác gồm Mogu, Cheetah Mobile, Boqii Holding và hãng dập kim loại Highway Holdings (Hồng Kông) bị SEC thêm vào danh sách theo dõi vào ngày 29.7.
Hơn 150 công ty Trung Quốc hiện nằm trong danh sách của SEC có khả năng bị hủy niêm yết, bao gồm cả các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử JD.com và Pinduoduo, nhà điều hành nền tảng chia sẻ video Bilibili và nhà sản xuất ô tô điện Nio.
Chúng được thêm vào danh sách theo dõi của SEC về các công ty “được coi là chịu trách nhiệm với HFCAA (Đạo luật yêu cầu các công ty nước ngoài chịu trách nhiệm)” sau khi mỗi công ty nộp báo cáo hàng năm của họ. Alibaba đã nộp báo cáo vào ngày 19.7.
Theo báo cáo của Ủy ban Đánh giá An ninh và Kinh tế Mỹ - Trung, đã có 261 công ty Trung Quốc, với tổng định giá 1.300 tỉ USD, được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán lớn của Mỹ cuối tháng 3.2022.
Với việc được đưa vào danh sách theo dõi bị hủy niêm yết của SEC, kế hoạch của Alibaba để nâng cấp sự hiện diện trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông từ danh sách thứ cấp lên danh sách chính trước khi kết thúc năm nay đã được chứng minh là có cơ sở.
Việc niêm yết chính ở Hồng Kông có thể giảm thiểu rủi ro và sự không chắc chắn liên quan đến yêu cầu kiểm toán của Mỹ, cho phép Alibaba tiếp tục là công ty giao dịch công khai trong trường hợp bị loại khỏi Sở giao dịch chứng khoán New York.
Quan trọng hơn, kế hoạch đó dự kiến sẽ thúc đẩy “cơ sở nhà đầu tư rộng lớn, đa dạng hơn để chia sẻ với sự tăng trưởng và tương lai của Alibaba, đặc biệt là từ Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Á”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành công ty - Daniel Zhang Yong cho biết vào tuần trước.
Chủ tịch SEC - Gary Gensler gần đây chỉ ra rằng không rõ liệu có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về yêu cầu kiểm toán của Mỹ hay không. “Tôi thực sự không biết ngay bây giờ. Đó sẽ là sự lựa chọn của các nhà chức trách ở đó", ông Gary Gensler nói.
Các cơ quan quản lý của Mỹ và Trung Quốc đã tham gia vào các cuộc thảo luận để giải quyết vấn đề về kế toán. Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc cho biết đã trình bày đề xuất hợp tác với ban giám sát kế toán Mỹ kể từ năm 2019 để dung hòa các quy tắc kiểm toán địa phương với các tiêu chuẩn kế toán toàn cầu.
Tháng 11.2021, SEC đã thông qua một khuôn khổ để xác định những công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ hoàn toàn không cho phép kiểm tra kiểm toán và do đó sẽ bị hủy niêm yết trên thị trường vốn Mỹ.
SEC cho phép Ủy ban giám sát kế toán công ty đại chúng, tổ chức phi lợi nhuận chuyên giải quyết các vấn đề kế toán của các công ty đại chúng, xác định xem có cần kích hoạt quy trình hủy niêm yết hay không.
Hôm 29.7, Alibaba tiết lộ 7 lãnh đạo hàng đầu của Ant Group đã từ chức khỏi nhóm Alibaba Partnership, cấp quản lý cấp cao nhất tại Alibaba và các công ty con của nó. Ant Group đang chờ Bắc Kinh gật đầu để chuyển đổi thành tập đoàn tài chính.
Theo các nguồn thạo tin, Ant Group đã ra hiệu với giới quản lý rằng Jack Ma có ý định nhượng lại quyền kiểm soát của mình và có thể chuyển giao một số quyền biểu quyết cho các lãnh đạo khác. Theo một hồ sơ được tiết lộ trong tuần này, Alibaba cũng nhắc lại rằng Jack Ma “có ý định giảm và sau đó hạn chế mối quan tâm kinh tế trực tiếp, gián tiếp với Ant Group theo thời gian” ở tỷ lệ không vượt quá 8,8%.
Jack Ma hiện nắm giữ 50,52% quyền biểu quyết tại Ant Group.
“Có nguy cơ lớn về việc nhân sự chủ chốt sẽ bị loại bỏ khỏi Ant Group nếu Jack Ma nhường lại quyền kiểm soát”, theo Justin Tang, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á tại United First Partners.
Jack Ma hiện không giữ chức vụ quản lý nào tại Ant Group và không tham gia sâu trong nhiều năm, nên việc từ bỏ quyền kiểm soát công ty sẽ gây ra ít gián đoạn cho hoạt động hằng ngày. Quyết định của Jack Ma có thể là cách để phù hợp hơn với tầm nhìn của Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình về việc đạt được “sự thịnh vượng chung”.
Trước khi khiến các nhà quản lý Trung Quốc phẫn nộ, Jack Ma đã tách mình ra khỏi đế chế thương mại điện tử Alibaba và công nghệ tài chính Ant Group. Ông từ chức giám đốc điều hành Alibaba vào năm 2013 và chủ tịch vào năm 2019. Ngay từ đầu năm 2014, Jack Ma đã dự định giảm cổ phần của mình trong Ant Group xuống không quá 8,8% và dự định quyên góp 611 triệu cổ phiếu cho từ thiện.
Theo trang Bloomberg, Jack Ma đang có chuyến đi dài một tuần ở châu Âu sau khi gần như biến mất khỏi tầm nhìn của công chúng trong gần hai năm. Đây là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đang dần thả lỏng các biện pháp hạn chế với Jack Ma khi tỷ phú công nghệ quyết định rút lui khỏi đế chế kinh doanh đã đưa ông trở thành một trong những người quyền lực nhất Trung Quốc.
Jack Ma là người tiên phong trong thương mại điện tử và công nghệ tài chính, nhưng những nhận xét bất cẩn mang tính chỉ trích giới lãnh đạo về vấn đề quy định liên quan đến Ant Group khiến ông gặp phải nhiều sóng gió. Tháng 11.2020, Jack Ma bị triệu tập. Một ngày sau, đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của Ant Group bị hoãn lại.
Kể từ đó, Jack Ma buộc phải nhượng bộ chính phủ Trung Quốc rất nhiều. Ant Group đã đại tu hoạt động để tuân thủ biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn, đồng thời thường xuyên thảo luận với ngân hàng trung ương về cách điều chỉnh hoạt động.
Trong những năm đầu thành lập, thành công của Ant Group trong các dịch vụ như thanh toán kỹ thuật số và tiền gửi trên thị trường tiền tệ đã đe dọa sự thống trị của các ngân hàng lớn được nhà nước hậu thuẫn.
Thay đổi về quyền sở hữu có thể trì hoãn đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng trở lại của Ant Group.
Ant Group đang chờ ngân hàng trung ương đồng ý xem xét đơn xin cấp giấy phép nắm giữ tài chính, một bước quan trọng để công ty tiến tới tìm kiếm bất kỳ cơ hội niêm yết cổ phiếu nào. Từng được định giá 300 tỉ USD, giá trị dự kiến của Ant Group đã giảm mạnh sau khi cơ quan quản lý hạn chế hoạt động tại các đơn vị sinh lời cao nhất của Alibaba, bao gồm cả cho vay tiêu dùng. Nhà phân tích Francis Chan của Bloomberg tháng trước ước tính Ant Group có giá trị khoảng 64 tỉ USD.