Bất bình đẳng lặp lại trong việc phân phối vắc xin đậu mùa khỉ
Quốc tế - Ngày đăng : 10:06, 31/07/2022
Từ tháng 5 đến nay đã có hơn 22.000 ca mắc đậu mùa khỉ được báo cáo tại gần 80 quốc gia, trong đó ước tính châu Phi có 75 ca tử vong chủ yếu ở Nigeria và Congo. Bên ngoài châu Phi cũng vừa ghi nhận ca tử vong ở Brazil và Tây Ban Nha.
Các nước giàu không ngần ngại đặt hàng triệu liều vắc xin đậu mùa khỉ để ngăn dịch bệnh lây lan trên lãnh thổ nước mình. Tuy nhiên, chưa có nước nào công bố kế hoạch chia sẻ vắc xin cho châu Phi, mặc dù căn bệnh này lây lan mạnh cũng như gây chết người hơn tại lục địa đen.
Phó giáo sư y khoa Boghuma Kabisen Titanji thuộc Đại học Emory (Mỹ) nói: “Sai lầm mà chúng ta thấy trong đại dịch COVID-19 đã và đang lặp lại. Các nước châu Phi phải chống chọi với đậu mùa khỉ hàng thập kỷ nay lại ở ngoài lề cuộc thảo luận về cách ứng phó dịch bệnh toàn cầu”.
Khác với COVID-19, đậu mùa khỉ không cần đến chiến dịch tiêm chủng diện rộng. Tiêm chủng đúng mục tiêu kết hợp một số biện pháp phòng ngừa khác là đủ để ngăn chặn dịch bệnh mặc dù gần đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp toàn cầu.
Tuy đậu mùa khỉ khó lây hơn COVID-19 nhưng giới chuyên gia cảnh báo nếu bệnh lan ra toàn thế giới thì nhu cầu vắc xin có thể tăng vọt, đặc biệt khi vi rút gây bệnh “bám rễ” ở khu vực mới ngoài châu Phi.
Ngày 28.7, quyền giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (Africa CDC) Ahmed Ogwell kêu gọi ưu tiên vắc xin cho châu lục bị bỏ lại phía sau một lần nữa này: “Nếu chúng tôi không an toàn thì phần còn lại của thế giới sẽ không an toàn”.
Mặc dù phổ biến ở châu Phi trong nhiều thập kỷ, đậu mùa khỉ lại chủ yếu lây từ động vật sang người và thường không lan sang châu lục khác. Giới chuyên gia nghi ngờ đợt bùng phát ở Bắc Mỹ cùng châu Âu có thể bắt nguồn từ châu Phi từ rất lâu trước khi bắt đầu lây lan qua đường tình dục tại hai ổ dịch Tây Ban Nha và Bỉ. Hiện tại hơn 70% ca mắc trên thế giới là ở châu Âu và 98% là ở nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.
WHO đang xây dựng một cơ chế chia sẻ vắc xin cho quốc gia bị dịch bệnh ảnh hưởng, đến nay có rất ít thông tin về cách thức cơ chế hoạt động. Tổ chức này cũng không đảm bảo các nước nghèo ở châu Phi được ưu tiên mà chỉ nói vắc xin sẽ được phân phối dựa trên nhu cầu dịch tễ học.
Một số chuyên gia lo ngại cơ chế trên có thể vướng phải loạt vấn đề như cơ chế COVAX phân phối vắc xin COVID-19. COVAX nhiều lần không đạt mục tiêu chia sẻ vắc xin cho nước nghèo.
Theo cố vấn Sharmila Shetty thuộc tổ chức y tế nhân đạo phi chính phủ Medecins Sans Frontieres: “Chỉ yêu cầu các quốc gia chia sẻ là không đủ. Đậu mùa khỉ lưu hành càng lâu thì nguy cơ bệnh xâm nhập vật chủ động vật mới hoặc lây lan ra người toàn thế giới càng cao”.
Hiện tại chỉ có một nhà sản xuất vắc xin đậu mùa khỉ tiên tiến nhất là công ty Đan Mạch Bavarian Nordic. Năng lực sản xuất của hãng trong năm nay khoảng 30 triệu liều, hiện có khoảng 16 triệu liều.
Vào tháng 5, Bavarian Nordic đề nghị Mỹ dành ra hơn 215.000 liều vắc xin mà nước này sẽ nhận để “hỗ trợ các yêu cầu quốc tế”. Mỹ đồng ý nhưng vẫn được nhận bù lại sau.
Bavarian Nordic không tiết lộ quốc gia được phân phối. Mỹ sau đó không đưa ra cam kết hỗ trợ vắc xin nào nữa. Nước này đặt đến 13 triệu liều, đến nay đã nhận 1,4 triệu liều.
Nhà dịch tễ học Salim Abdool Karim thuộc Đại học KwaZulu-Natal (Nam Phi) kêu gọi: “Châu Phi nên tích trữ vài loại vắc xin phòng trường hợp cần thiết. Chúng ta cũng nên ưu tiên chẩn đoán và giám sát để biết cần ưu tiên tiêm chủng đối tượng nào”.
Tiến sĩ Ingrid Katz thuộc Đại học Harvard khẳng định hoàn toàn có thể kiểm soát dịch đậu mùa khỉ nếu lượng vắc xin có hạn được phân phối phù hợp. Ngăn đậu mùa khỉ thành đại dịch là khả dĩ, nhưng cần suy nghĩ chiến lược phòng chống và phản ứng nhanh.