Chuyên gia lên án Trung Quốc vì giấu thông tin quỹ đạo rơi mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 10:20, 31/07/2022

Mảnh vỡ tên lửa đẩy khổng lồ Trường Chinh 5B của Trung Quốc đã rơi xuống Ấn Độ Dương hôm 30.7.

Mảnh vỡ Trường Chinh 5B đã rơi trở lại Trái đất hôm 30.7 tại Ấn Độ Dương, nhưng NASA (Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ) cho biết Trung Quốc đã không chia sẻ "thông tin quỹ đạo cụ thể" cần thiết để biết nơi các mảnh vỡ có thể rơi xuống.

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ cho biết mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh 5B đã rơi xuống Ấn Độ Dương vào 16 giờ 45 ngày 30.7 theo giờ GMT và đã chuyển các câu hỏi về "các khía cạnh kỹ thuật của tái nhập, chẳng hạn vị trí có khả năng phát tán mảnh vỡ" cho Trung Quốc.

Theo cơ quan Vũ trụ Trung Quốc, mảnh vỡ của Trường Chinh 5B đã rơi trên vùng biển tây nam Philippines, với “phần lớn mảnh vụn đã cháy hết trong quá trình trở lại Trái đất”.

Bill Nelson, Tổng giám đốc NASA, chỉ trích Trung Quốc trên Twitter: "Trung Quốc đã không chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa Trường Chinh 5B rơi trở lại Trái đất. Mọi quốc gia du hành vũ trụ cần tuân thủ cách thực hành tốt nhất và làm tròn bổn phận chia sẻ loại thông tin này từ sớm để tạo điều kiện cho việc dự đoán rủi ro va chạm có thể xảy ra, đặc biệt là với thiết bị đẩy có trọng tải nặng như Trường Chinh 5B.

"Việc chia sẻ thông tin quỹ đạo chi tiết trong lúc tên lửa rơi trở lại Trái đất rất quan trọng, thể hiện việc sử dụng không gian một cách có trách nhiệm và đảm bảo sự an toàn cho những người dưới mặt đất”, Bill Nelson từng nói năm ngoái.

Ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), nói: “Không có quốc gia nào để những vật thể nặng hơn 20 tấn quay trở lại quỹ đạo một cách mất kiểm soát như Trung Quốc".

Đầu tuần này, các nhà phân tích cho biết thân tên lửa Trường Chinh 5B sẽ tan rã khi lao qua bầu khí quyển nhưng đủ lớn để nhiều khối có khả năng tồn tại sau khi tái nhập, tạo thành mưa mảnh vụn rơi trên một khu vực dài khoảng 2.000 km, rộng khoảng 70 km.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chưa đưa ra bình luận ngay lập tức.

nasa-len-an-trung-quoc-vi-giau-thong-tin-quy-dao-manh-vo-ten-lua-truong-chinh-5b-roi.jpg
Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo mô đun lõi trạm vũ trụ Thiên Hà của Trung Quốc được nhìn thấy khi cất cánh và trong không gian - Ảnh:  Space

Trường Chinh 5B được phóng đi hôm 24.7 để đưa mô đun phòng thí nghiệm Vấn Thiên lên trạm vũ trụ Thiên Cung mà Trung Quốc đang xây dựng trên quỹ đạo, đánh dấu chuyến bay thứ ba của tên lửa mạnh nhất nước này kể từ lần phóng đầu tiên vào năm 2020. Song ngay sau đó, nó lao xuống Trái Đất một cách mất kiểm soát - cũng đánh dấu lần thứ ba Trung Quốc bị cáo buộc xử lý không đúng cách các mảnh vỡ từ tên lửa trong không gian.

Đầu tuần này, Trung Quốc cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các mảnh vỡ nhưng nói rằng nó ít gây rủi ro cho bất kỳ ai trên mặt đất.

Các mảnh vỡ của Trường Chinh 5B khác đã rơi xuống vào Bờ Biển Ngà vào năm 2020, làm hư hại một số tòa nhà ở quốc gia Tây Phi đó, nhưng không có thương tích nào được báo cáo.

Mỹ và hầu hết quốc gia liên quan đến không gian khác thường phải trả thêm chi phí thiết kế tên lửa của họ để tránh các vụ tái nhập lớn, không được kiểm soát - một sứ mệnh được quan sát kể từ khi các khối lớn của trạm vũ trụ NASA Skylab rơi từ quỹ đạo vào năm 1979 và hạ cánh xuống Úc.

Năm ngoái, NASA và những người khác đã cáo buộc Trung Quốc mờ ám sau khi giữ im lặng về quỹ đạo ước tính về mảnh vỡ tên lửa Trường Chinh rơi trở lại Trái đất vào tháng 5.2021. Các mảnh vỡ đó cuối cùng đã hạ cánh xuống Ấn Độ Dương một cách vô hại.

Có nhiều trường hợp mảnh vỡ tàu vũ trụ rơi xuống đất sau khi tái nhập. Vệ tinh Nghiên cứu Thượng tầng khí quyển của NASA, ngừng hoạt động vào năm 2005, đã đâm vào bầu khí quyển Trái đất ngày 23.9.2011 mà không có sự can thiệp của con người và hạ cánh xuống Canada. Không có thương vong được báo cáo.

Năm ngoái, tàn tích của tầng 2 tên lửa SpaceX Falcon 9 đã hạ cánh không kiểm soát xuống một trang trại ở hạt Grant, bang Washington, Mỹ vào ngày 26.3. Một lần nữa không ai bị thương trong vụ việc.

Người phát ngôn của cảnh sát trưởng hạt Grant, Kyle Foreman, cho biết bình áp suất bằng composite dày khoảng 1,5 m được sử dụng để lưu trữ heli đã để lại một vết lõm gần 10,16 cm trên mặt đất.

Trước đó, cơ quan Thời tiết Quốc gia ở thành phố Seattle (Mỹ) thông báo các vật thể phát sáng được phát hiện trên bầu trời hôm 25.3 là tàn tích tầng 2 của tên lửa Falcon 9, để lại những vệt sáng giống sao chổi khi bốc cháy lúc quay trở lại bầu khí quyển của Trái đất.

Falcon 9 là một tên lửa đẩy 2 tầng có thể tái sử dụng, được SpaceX thiết kế để vận chuyển người và hàng hóa vào quỹ đạo Trái đất, theo trang web của SpaceX.

Sơn Vân