Sau khi đòi đấu tay đôi với Putin, Elon Musk nhắc phương Tây đừng vì nắng nóng quên cuộc chiến Nga-Ukraine

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:29, 31/07/2022

Elon Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới và được cho là CEO có ảnh hưởng nhất thế giới, đã quan tâm sâu sắc đến cuộc tấn công Ukraine của Nga ngay từ đầu.

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla và SpaceX, nói trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 3.2022:

"Chúng tôi không thể để Putin tiếp quản Ukraine. Điều này thật điên rồ".

Trong cùng cuộc phỏng vấn, trùm công nghệ giải thích rằng ai đó ở cấp bậc của ông có trách nhiệm và nên sử dụng quyền lực cùng ảnh hưởng của mình để tác động đến việc thực hiện các vấn đề thế giới. Elon Musk có hơn 102,4 triệu người theo dõi trên Twitter và điều hành một số công ty như Tesla, SpaceX, The Boring Company, Neuralink.

Tôi nghĩ mình có thể giúp ích trong các cuộc xung đột. Tôi cố gắng thực hiện một loạt các hành động có nhiều khả năng để cải thiện xác suất rằng tương lai sẽ tốt đẹp. Rõ ràng đôi khi tôi mắc sai lầm trong vấn đề này. Tôi làm bất cứ điều gì tôi nghĩ là có khả năng nhất để đảm bảo rằng tương lai tốt đẹp cho nhân loại. Đó là những hành động mà tôi sẽ thực hiện", tỷ phú 51 tuổi thổ lộ.

Trong số các hành động của Elon Musk kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Ukraine - Nga, có một việc khiến Nga đặc biệt khó chịu. Ông quyết định cung cấp ăng ten Starlink, dịch vụ truy cập internet qua vệ tinh của SpaceX cho Ukraine khi cơ sở hạ tầng viễn thông nước này đã bị phá hủy phần lớn bởi các cuộc ném bom của Nga.

Starlink đảm bảo truy cập internet an toàn và xuất hiện như một phản ứng với bộ máy truyền thông của Nga xung quanh cuộc chiến này vì người Ukraine có thể giao tiếp tự do với thế giới bên ngoài và cung cấp phiên bản sự kiện của họ.

Elon Musk cũng đề xuất một cuộc đấu tay đôi với Tổng thống Putin, nhằm nỗ lực chấm dứt chiến tranh. Đề xuất này khiến ông bị những người trung thành với Tổng thống Nga đe dọa tính mạng. Ông Putin không đáp lại lời đề nghị của Elon Musk.

Sự ủng hộ của Elon Musk dành cho Ukraine chưa bao giờ lung lay. Ông vừa chứng minh điều đó một lần nữa bằng cách gióng lên hồi chuông cảnh báo vào thời điểm làn sóng nắng nóng đổ bộ vào phương Tây đang chiếm ưu thế trên các phương tiện truyền thông, gây bất lợi cho cuộc chiến Nga-Ukraine.

Elon Musk đã sử dụng công thức nổi tiếng: Sức nặng của lời nói, sức mạnh hình ảnh.

Vào ngày 30.7, ông tweet một bức ảnh để tổng hợp mối quan tâm của mình. Trong bức ảnh, chúng ta thấy một người mẹ đang ở trong bể bơi với những thứ dường như là hai đứa con của cô. Người mẹ là mạng internet hay phương Tây, một trong hai đứa trẻ, một bé gái, là đợt nắng nóng ảnh hưởng đến châu Âu và đứa trẻ kia, một cậu bé, đại diện cho cuộc chiến Nga - Ukraine.

Người mẹ có vẻ tập trung vào đứa con nhỏ mà cô ấy đang nâng lên khỏi mặt nước. Ở bên trái cô, đứa trẻ nhỏ dường như đang chết đuối nhưng cô không chú ý. Thông điệp ở đây có vẻ rõ ràng: châu Âu hay phương Tây đều tập trung vào một vấn đề nhỏ, đó là đợt nắng nóng, mà quên đi vấn đề lớn hơn nhiều, đó là cuộc chiến Nga-Ukraine.

elon-musk-nhac-phuong-tay-dung-vi-nang-nong-quen-cuoc-chien-nga-ukraine.jpg
Elon Musk đăng ảnh nhắc phương Tây đừng vì nắng nóng mà quên cuộc chiến Nga-Ukraine

Đó là những gì bạn thấy trên bề mặt. Để củng cố thêm lập luận của mình, Elon Musk chia hình ảnh thành hai: Phía dưới cùng là một bộ xương trên ghế dưới đáy biển. Bộ xương dường như mô tả đại dịch COVID-19. Về cơ bản, đây không còn là mối lo hiện nay, thay vào đó là đợt nắng nóng.

Thông điệp rất rõ ràng: Phương Tây phải xem xét lại các ưu tiên của mình trước khi quá muộn. Cuộc chiến Nga - Ukraine dường như là ưu tiên số 1 với Elon Musk vì nó không chỉ là vấn đề của các nền dân chủ chống lại các chế độ chuyên quyền mà còn vì ảnh hưởng đến sự độc lập về năng lượng của châu Âu khi mùa đông đến gần.

Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, phụ thuộc gần một nửa nguồn cung cấp khí đốt vào Nga.

Ngày 30.7, công ty khí đốt Gazprom (Nga) đã thông báo trong tuyên bố đăng trên Telegram rằng họ đã đình chỉ việc giao khí đốt cho Latvia mà không cung cấp thông tin chi tiết.

Tuy nhiên, phát ngôn viên của công ty năng lượng Latvijas Gaze (Latvia) hôm 29.7 cho biết họ mua khí đốt từ Nga chứ không phải Gazprom, từ chối nêu tên nhà cung cấp của mình vì bí mật kinh doanh.

Ngoài Latvia, một số quốc gia châu Âu khác đã bị Gazprom tước khí đốt của Nga trong những tháng gần đây gồm Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Đan Mạch và Hà Lan.

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh Gazprom giảm mạnh việc cung cấp khí đốt của Nga đến châu Âu thông qua đường ống Nord Stream trong tuần này, với lý do cần phải bảo dưỡng tuabin, khi các nước châu Âu tranh giành nguồn dự trữ cho mùa đông.

Người phương Tây cáo buộc Nga sử dụng vũ khí năng lượng để trả đũa các lệnh trừng phạt được thông qua sau cuộc tấn công Ukraine. Về phần mình, Điện Kremlin nói rằng các lệnh trừng phạt bắt nguồn từ các vấn đề kỹ thuật của cơ sở hạ tầng khí đốt và do đó châu Âu phải gánh chịu các biện pháp mà họ áp đặt với Nga.

Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di cư. Rất khó để đưa ra con số chính xác vào thời điểm này.

Sơn Vân