Người đứng sau ‘cuộc phản công kinh tế’ của Nga
Quốc tế - Ngày đăng : 14:46, 31/07/2022
Loạt trừng phạt của phương Tây được thực hiện khi cuộc chiến diễn ra chưa đầy một tháng gây hậu quả nghiêm trọng: chính phủ Nga phải vất vả tìm cách tránh để vỡ nợ và ngăn đồng rúp rớt giá không phanh.
Ngày 23.3, Tổng thống Putin phát động “phản công” bằng biện pháp yêu cầu quốc gia không thân thiện trả tiền mua khí đốt Nga bằng đồng rúp thay vì ngoại tệ. Một nguồn tin quan chức tiết lộ người đề xướng ý tưởng này chính là cố vấn Oreshkin (40 tuổi) – thành viên đội ngũ thân cận Tổng thống Putin chuyên góp ý về chính sách kinh tế.
Nhà kinh tế Sergei Guriev từng làm cố vấn cho chính phủ Nga cho biết: “Họ đang vật vã tìm cách vượt qua trừng phạt. Họ làm khá tốt, nhưng tất cả số tiền kiếm được đều dùng để tài trợ cho chiến tranh”.
Biện pháp trên giúp Nga khắc phục thiệt hại kinh tế. Đồng rúp hồi phục và nay đạt giá trị cao khi hàng chục tỉ USD lẫn euro đổ vào năng lượng, cùng nhiều mặt hàng xuất khẩu khác.
Bằng cách tận dụng quyền kiểm soát của Nga đối với nguồn cung khí đốt cho châu Âu, yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp buộc EU phải nhượng bộ. Hầu hết đơn vị mua hàng lớn đều chấp nhận mở tài khoản đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank JSC.
Cố vấn Oreshkin còn góp sức vạch ra kế hoạch ngăn các ngân hàng Nga sụp đổ sau khi bị loại khỏi hệ thống thông tin thanh toán toàn cầu SWIFT, đồng thời đẩy lùi phe chủ trương tăng kiểm soát nhà nước với kinh tế.
Vừa qua, ông tháp tùng Tổng thống Putin công du Iran – quốc gia cũng có kinh nghiệm đối phó với trừng phạt của phương Tây. Khi được hỏi về cách Iran vượt qua cấm vận, cố vấn Oreshkin phát biểu: “Cách của chúng tôi tốt hơn”.
Từng làm việc cho chi nhánh tại Nga của ngân hàng đầu tư Societe Generale SA, cố vấn Oreshkin đã vận dụng những kinh nghiệm về phương Tây giúp đất nước chống chọi lại trừng phạt.
Ông thuộc thế hệ cầu nối trải qua khoảng thời gian cuối cùng của chế độ Xô viết lẫn thời kỳ khó khăn kinh tế những năm 1990, nằm trong nhóm quan chức kỹ trị cùng với Phó thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Alexey Zabotkin (44 tuổi) và Thứ trưởng Tài chính Nga Vladimir Kolychev (39 tuổi). Họ đều tốt nghiệp trường kinh tế ưu tú, rèn luyện từ quá trình làm việc cho đơn vị châu Âu trước khi được bổ nhiệm vị trí quan chức cấp cao.
Nhóm quan chức kỹ trị này góp phần thiết lập “pháo đài” tài chính Nga. Họ là nhân vật không thể thiếu trong nỗ lực xây dựng nền kinh tế đủ khả năng phục hồi trước cú sốc lớn.
Trong 3 năm công tác ở Bộ Tài chính Nga, cố vấn Oreshkin cùng một số quan chức nghĩ ra cơ chế chuyển hàng trăm tỷ USD thu nhập từ dầu khí thành quỹ đầu tư quốc gia giúp Điện Kremlin vượt qua nhiều đợt khủng hoảng như làn sóng trừng phạt đầu tiên của phương Tây vì vụ sáp nhập Crimea năm 2014.
Hàng năm trời chống chọi trừng phạt cùng tích lũy dự trữ không đủ để bảo vệ kinh tế Nga sau khi cuộc chiến tại Ukraine nổ ra. Mỹ cùng đồng minh đóng băng phần lớn trong số 600 tỉ USD mà các chính sách của cố vấn Oreshkin góp phần tích lũy. Nga lần đầu tiên sau một thế kỷ không thể trả nợ nước ngoài, dù nền kinh tế không trở nên tồi tệ như lo ngại nhưng đang trên đường rơi vào suy thoái.
Mặc dù vậy Tổng thống Putin vẫn tin tưởng cố vấn Oreshkin. Các biện pháp mới gặt hái thành công. Từng bị xem là nhân vật ít ảnh hưởng về chính trị không lâu trước đó, nay ông trở thành cánh tay phải của Tổng thống Putin trong chiến tranh.