Bạc Liêu: Cám cảnh con đường “đau khổ” ở xã nông thôn mới
Sự kiện - Ngày đăng : 20:56, 31/07/2022
Đó là thực trạng đã và đang tồn tại từ nhiều năm nay ở ấp 16B, xã nông thôn mới (NTM) Phong Tân, thị xã Giá Rai, tỉnh Bac Liêu. Con đường có chiều dài khoảng 2,6 km, với hàng chục hộ dân đang sinh sống, tập trung đông.
Theo người dân địa phương chia sẻ, con đường này được đầu tư xây dựng lần đầu vào khoảng năm 2000, dù đã hơn 20 năm hình thành nhưng đến nay con đường chưa được duy tu, nâng cấp. Hiện con đường đã xuống cấp rất nghiêm trọng và trở nên lầy lội, khó đi vào mùa mưa.
Ghi nhận của PV Một Thế Giới, trong cơn mưa chiều nặng hạt, con đường từ Trạm Y tế xã Phong Tân xuôi về ấp 16B bổng chốc trở nên lầy lội, nước đọng vũng trong những ổ gà, ổ voi khiến cho việc di chuyển của người dân địa phương trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Dọc suốt chiều dài con đường đất đá bong tróc, lỏm chỏm rất khó đi lại.
Di chuyển vào trong ấp 16B được một đoạn, PV bắt gặp hình ảnh nhiều người dân địa phương người dùng xe rùa đẩy đá để lấp những ổ gà, ổ voi sâu hút; người cầm xẻng đội mưa đi khui đường thoát nước, ban gạt lớp đá dăm vừa đổ xuống đường tạo bằng phẳng giúp cho việc đi lại của người dân được thuận tiện hơn.
Chỉ tay về phía con đường hư hỏng, ông Châu Văn Nam (47 tuổi), ngụ ấp 16B, xã Phong Tân lắc đầu: “Con đường này hư hỏng lâu lắm rồi, đường xuống cấp như thế này, người dân đi lại khó khăn lắm, nhiều vụ té ngã xảy ra rồi. Nói đâu xa, nhỏ em dâu của tôi mới té đây nè, mặt mày trầy xước, sưng vù lên. Con đường có quá nhiều ổ gà, ổ voi”.
Nói đoạn, ông Nam vội đẩy xe đá đi lắp ổ gà sâu gần đó, vừa làm ông vừa than: “Đá này có được là người dân địa phương đóng góp tiền để mua lấp ổ gà, ổ voi đó. Đây chỉ là giải pháp tạm thời để người dân đi lại dễ dàng hơn thôi. Học sinh đi học khổ dữ lắm, hổm rày đã đổ mấy chục mét khối đá rồi mà chưa thấm thía gì. Giờ đổ tới đây đã hết đá, người thì còn sức làm, mà tiền thì hết trơn rồi”.
Bà Nguyễn Thị Bích, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 16B, xã Phong Tân cho biết, con đường này xây dựng từ năm 2000, từ đó đến nay chưa được nhà nước phân vốn để duy tu, sửa chữa. Cách đây khá lâu, thấy đường xuống cấp, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn nên xã có đi vận động mạnh thường quân hỗ trợ khoảng 100m3 đá để khắc phục tạm thời.
“Việc sửa chữa, lấp vá do người dân địa phương đảm trách. Gần đây, mùa mưa đến, đường lầy lội, khó đi nên bà con tự góp tiền mua đá để lấp vá những lổ lớn tạo thuận lợi cho học sinh đi học, vì sắp vào năm học mới. Đã dặm dá hàng chục khố đá rồi mà chưa đâu vào đâu.
Ở đây, tôi nghe có dự án gì đó lầu rồi, từ năm 2019 có lãnh đạo của Thị uỷ Giá Rai hứa trước các cụ hưu trí là sẽ làm con đường này nhưng kéo dài đến nay, hiện đường đã xuống cấp rất trầm trọng. Vừa rồi, HĐND tỉnh Bạc Liêu có tiếp xúc cử tri và tôi cũng đã kiến nghị”, bà Bích nói.
Theo bà Bích, đợt rồi ở địa phương có 2 cháu học sinh trên đường đi học về trên đoạn đường này gặp mưa bị té ngã. Hậu quả, một cháu bị gãy tay, một cháu bị gãy xương sườn phải nhập viện điều trị.
“Người dân của ấp 16B rất bức xúc về tuyến đường từ Trạm Y tế xã Phong Tân về đây có chiều dài khoảng 2,6km nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa. Vừa qua, lãnh đạo thị xã Giá Rai cũng có vào đây khảo sát xây dựng xã Phong Tân trở thành xã NTM nâng cao. Thời điểm đó, lãnh đạo thị xã có nói đến tuyến đường này và hứa sẽ sử dụng nguồn vốn ô đê bao khép kín để làm, nhưng họ không nói là khi nào làm.
Hiện người dân rất bức xúc, mong sao các lãnh đạo thấy được khó khăn của người dân mà sớm triển khai nâng cấp con đường để việc đi lại của người dân, nhất là học sinh được dễ dàng hơn. Còn nếu như hiện giờ thì khi người già có đau bệnh mà chuyển được đến viện chắc chết luôn”, bà Bích mong mỏi.
Ông Nguyễn Minh Trường, Chủ tịch UBND xã Phong Tân cho biết: “Tuyến đường này xã đã nhiều lần đề xuất thị xã Giá Rai. Hiện chúng tôi cũng có đề xuất với tỉnh về nguồn vốn trong ô đê bao khép kín. Hiện tại tỉnh đã có ghi vốn rồi và sẽ triển khai trong năm 2022. Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã đi khảo sát rồi”.
Hơn bao giờ hết, hiện người dân ấp 16B đang rất mong chờ chính quyền địa phương sớm nâng cấp lại con đường để việc đi lại của người dân, nhất là học sinh đến trường được dễ dàng, thuận tiện hơn khi năm học mới đã cận kề.