Ồ ạt đầu tư vào điện mặt trời, quản lý sao cho không loạn?

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:21, 31/07/2022

Tình trạng ồ ạt đầu tư điện mặt trời áp mái tại nhiều địa phương được ghi nhận kéo theo nhiều sai phạm trong khâu đầu tư, nghiệm thu, đấu nối...

Thời gian qua, các dự án phát triển năng lượng tái tạo đã diễn ra khá nhiều tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt là khu vực miền Trung. Trong đó, tình trạng phát triển nóng nhất được dư luận đề cập đến là “loạn điện mặt trời”. Nhiều dự án được tư nhân, hộ gia đình triển khai trên đất nông trại, vườn... không chờ giấy phép, làm vội rồi bán vội nhằm sang tay kiếm lời. Tình trạng này diễn ra tại nhiều địa phương, được ghi nhận kéo theo nhiều sai phạm trong khâu đầu tư, nghiệm thu, đấu nối...

bf006632-c399-4c65-a224-2d3e7d68d49d.jpeg

Sự đầu tư ồ ạt vào lĩnh vực năng lượng tái tạo nhờ vào sự kích thích từ cơ chế, chính sách mà cụ thể là cơ chế mua điện với giá ưu đãi. Tuy nhiên, sự phát triển lại mất cân bằng, công tác quản lý tại nhiều địa phương để cho các dự án điện mặt trời lấn cả đất nông nghiệp và cây công nghiệp. Nguồn cung năng lượng tái tạo lớn và trở nên dư thừa khi mạng lưới truyền tải chưa được đầu tư tương xứng nhằm đáp ứng việc phân phối điện.

Bộ Công Thương đã đưa ra đề nghị tạm dừng cấp phép chủ trương đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VIII. 

Liên quan đến vấn đề ưu đãi về giá cho các dự án điện mặt trời, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo - ông Bùi Quốc Hùng (Bộ Công Thương) cho biết, những cơ chế ưu đã này đã giúp hệ thống điện mặt trời phát triển nhanh trong thời gian ngắn. Hiện nay, có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung, đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam. Đây là con số tương đối lớn so với tỉ lệ cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam.

Theo ông Hùng, điện mặt trời chỉ phát được vào ban ngày, nên cần phải cân đối các nguồn điện dự phòng khi phát trong những giờ cao điểm, hoặc phát vào ban đêm và khi không có ánh nắng.

Đối với cơ chế giá FIT (Feed-in Tariffs - Biểu giá điện hỗ trợ), ông Bùi Quốc Hùng cho biết, cơ chế hỗ trợ của nhà nước chỉ áp dụng trong một thời gian nhất định để khuyến khích, thu hút dự án đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Việc kéo dài giá ưu đãi FIT đến nay không còn phù hợp nữa. Bộ Công Thương đang được Chính phủ giao xây dựng Thông tư, quy định về khung giá và xây dựng cơ chế đấu thầu cho chủ đầu tư trong các loại hình phát điện. Hiện thông tư này vẫn đang trong quá trình dự thảo.

Giới chuyên gia cho rằng, các chính sách, quy định nêu trên cùng với giá FIT chỉ nên được áp dụng trong thời gian nhất định để hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào điện gió, điện mặt trời. Trong bối cảnh hiện nay, giá điện gió, điện mặt trời trên thế giới có xu hướng ngày càng giảm, quy mô điện gió, điện mặt trời ngày càng mở rộng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong cơ cấu nguồn điện quốc gia và thị trường công nghệ, thiết bị cũng cạnh tranh hơn.

Do đó, việc xem xét, chuyển dịch sang chính sách phát triển theo hướng cạnh tranh, tiệm cận thị trường là phù hợp với xu hướng phát triển trên thế giới. Ngoài ra, việc duy trì tiếp tục các chính sách hỗ trợ nêu trên không còn phù hợp.

Tuyết Nhung