Bắn tin đến thăm Đài Loan rồi quay xe phút chót, bà Pelosi có cách gì để "chữa thẹn"?
Góc nhìn - Ngày đăng : 07:07, 01/08/2022
Ngày 31.7, Văn phòng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ra tuyên bố xác nhận bà Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn gồm 6 nghị sỹ đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuyên bố xác nhận chuyến đi của người đứng đầu Hạ viện Mỹ sẽ tập trung vào vấn đề an ninh chung, quan hệ đối tác kinh tế ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dù đến nước nào hay bàn điều gì thì thứ người ta quan tâm nhất là bà Pelosi có đến Đài Loan hay không. Nhưng Đài Loan không có tên mà chỉ có các điểm dừng tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Vào tháng trước, Tờ Financial Times (FT) dẫn sáu nguồn tin tiết lộ Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi sẽ dẫn đầu một phái đoàn sang thăm Đài Loan vào tháng 8 tới nhằm thể hiện sự ủng hộ của Washington đối với Đài Bắc.
Người ta nín thở chờ đợi chuyến đi Đài Loan đầu tiên sau 25 năm của một Chủ tịch Hạ viện Mỹ đương nhiệm. Lần cuối cùng là vào năm 1997, khi ông Newt Gingrich gặp lãnh đạo Đài Loan lúc bấy giờ là ông Lý Đăng Huy. Cách đây 1/4 thế kỷ, ông Gingrich đã bị Trung Quốc phản đối dữ dội nhưng vẫn đến Đài Loan.
Còn lần này, Trung Quốc tỏ ra mạnh mẽ hơn khi Bắc Kinh liên tục khẳng định sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chuyến đi này xảy ra. Thậm chí không ngại nói đến khả năng về giải pháp quân sự. Chẳng hạn, chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cảnh báo: "Kế hoạch thăm Đài Loan của bà Pelosi đang làm tăng nguy cơ xung đột quân sự giữa quân đội Trung Quốc và quân đội Mỹ về vấn đề Đài Loan, vì Trung Quốc ngày nay rất khác so với Trung Quốc vào giữa những năm 1990".
Một số chuyên gia quân sự còn nhận định Trung Quốc có thể lập vùng cấm bay để ngăn máy bay chở bà Pelosi hạ cánh xuống Đài Loan. Đặc biệt, ông Hồ Tích Tiến - cựu TBT Hoàn cầu còn úp mở đe dọa chuyến bay chở bà Pelosi bằng vũ khí sát thương.
Tình hình nghiêm trọng đến mức quân đội Mỹ phải lên một "kế hoạch dự phòng", trong đó có "các vòng bảo vệ chồng lấp" cho bà Pelosi trong chuyến bay của bà đến Đài Loan và thời gian ở lại đó. Các quan chức cũng nói về sự cần thiết của việc tạo ra "vùng đệm" xung quanh bà Pelosi và máy bay trong chuyến đi, sẵn sàng đối phó bất kỳ sự cố nào liên quan đến Trung Quốc.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Mark Milley không nói rõ những biện pháp bảo vệ bà Pelosi, nhưng ông cho biết Lầu Năm Góc “sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo chuyến thăm được tiến hành an toàn” nếu chủ tịch Hạ viện đến Đài Loan.
Rốt cuộc thì trước áp lực, bao gồm đe dọa của Trung Quốc thì người đứng đầu Hạ viện Mỹ cũng không dám đưa tên Đài Loan vào danh sách dừng chân trong chuyến công du châu Á.
Như vậy, từ chủ ý ban đầu của bà Pelosi đến Đài Loan là để trấn an đồng minh đã coi như phá sản. Ngược lại, việc bà không dám đến Đài Loan một cách chính thức như bắn tin ban đầu sẽ vô tình cho thấy Mỹ đang ngại phải đối đầu với Trung Quốc, hay ít nhất không chọc giận Trung Quốc. Thà rằng ngay từ đầu, bà Pelosi đừng bắn tin đến Đài Loan thì giờ dư luận thế giới đã không chú ý việc quay xe phút cuối.
Trước đó, truyền thông Đài Loan đưa tin bà Pelosi ban đầu dự định sẽ dẫn đầu một phái đoàn đến Đài Loan vào ngày 10.4. Tuy nhiên, chuyến thăm đã bị hoãn lại “đến một ngày sau này”, sau khi bà có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 và do vấp phải sự phản đối gay gắt của giới chức chính quyền Bắc Kinh khi đó. Lần trước thì dù sao cũng vì COVID-19 còn lần này thì khó có lý do nào để người dân Đài Loan cảm thấy bớt thất vọng hơn khi bà Pelosi không dám làm điều như người tiền nhiệm cách đây 25 năm.
Có thể là sau khi công du 4 nước trong danh sách kể trên thì bà Pelosi có thể bất ngờ đến Đài Loan với tư cách cá nhân để "chữa thẹn". Giải pháp đó cũng là tốt nhất để các bên giảm căng thẳng. Bà Pelosi vẫn giữ được đúng điều đã hứa, Đài Loan cũng thấy được an ủi còn Trung Quốc cũng có thể tạm chấp nhận một sự kiện im ắng. Sau đó, các bên đều tuyên bố chiến thắng và đạt được mục đích của mình. Nhưng với người ngoài cuộc thì một cuộc gặp kiểu âm thầm như thế dù có xảy ra thì cũng thể hiện Mỹ đã phải lùi bước khi bị Trung Quốc làm găng và không còn thể hiện được khí phách của 25 năm trước.
Việc bà Pelosi không đường đường chính chính ghé thăm nơi mà dư luận đổ dồn chú ý là một bàn phản lưới nhà. Các đồng minh trong khu vực có lý do để lo ngại về quyết tâm của Mỹ trước Trung Quốc trong bối cảnh hiện giờ đã bị xói mòn, ít nhất là so với thời Tổng thống Donald Trump chứ không cần so với 1/4 thế kỷ trước.