Vì sao Cần Thơ phải cơ cấu lại các khu công nghiệp?

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 12:27, 01/08/2022

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết sắp tới Cần Thơ sẽ rà soát các quy hoạch khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn TP. Trước tình hình mới, Cần Thơ sẽ cơ cấu lại các KCN cho phù hợp.
khu-cong-nghiep-hp-2.jpg
Khu công nghiệp Hưng Phú 2, Nam Cần Thơ - Ảnh: Văn Kim Khanh

TP.Cần Thơ được Thủ tướng chấp thuận phát triển 8 KCN với tổng diện tích 2.349ha, bao gồm: KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Hưng Phú 1, Hưng Phú 2A, Hưng Phú 2B, Thốt Nốt, Ô Môn và Bắc Ô Môn. Thực tế trong thời gian vừa qua, việc đầu tư phát triển các KCN trên địa bàn TP còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc. Ngoại trừ KCN Trà Nóc 1, Trà Nóc 2 được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước đi kèm với những chính sách ưu đãi thời gian trước đây, nên đã thu hút được nhiều dự án đầu tư, KCN Trà Nóc 1 lấp đầy 100%, KCN Trà Nóc 2 lấp đầy hơn 90%.

kcn-1-1455.jpg
Khu công nghiệp Trà Nóc 1 - Ảnh: Internet

Các KCN còn lại triển khai chậm do thiếu nguồn lực đầu tư, giá cho thuê đất cao, không được hưởng ưu đãi đầu tư, thiếu cơ chế chính sách triển khai thực hiện phù hợp. Giá đất tăng cao, đền bù tăng chi phí. Mặt khác, địa điểm, vị trí, quy mô của một số KCN chưa thật sự hợp lý, chưa thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, do đó dẫn đến một số KCN trên địa bàn TP đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể triển khai được hoặc triển khai với tình trạng nửa vời.

Trong 8 KCN thuộc quy hoạch có 6 KCN đã được xây dựng và thành lập với quy mô diện tích 850ha, chiếm hơn 1/3 tổng diện tích. Các KCN này đã tiếp nhận được 250 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng dưới 2 tỉ USD.

Năm 2020, UBND TP.Cần Thơ có tờ trình về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP năm 2020, định hướng đến năm 2030 gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ KH-ĐT. Theo đó, UBND TP.Cần Thơ đề nghị phương án điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn TP đối với các KCN không thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư, không còn phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP. Các KCN này gồm KCN Ô Môn (diện tích 600ha), KCN Bắc Ô Môn (diện tích 400ha), KCN Thốt Nốt - giai đoạn 2 (diện tích 400ha). Hiện nay, các KCN nêu trên chưa được thành lập, chưa thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa thực hiện giải phóng mặt bằng, chưa có nhà đầu tư thứ cấp trong KCN.

Đồng thời, TP đề nghị bổ sung KCN vào quy hoạch phát triển KCN trên địa bàn TP đến năm 2020, gồm KCN Ô Môn - Cần Thơ (diện tích 500ha), KCN Vĩnh Thạnh (diện tích 900ha).

du-an-khucn-vsip-o-vinh-thanh.jpg
Dự án khu công nghiệp VSIP ở Vĩnh Thạnh - Ảnh: TC

Ông Dương Tấn Hiển, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ cho biết dự án khu công nghiệp do VSIP đầu tư ở huyện Vĩnh Thạnh đã hoàn tất thủ tục và trình Chính phủ phê duyệt để được thông qua. Dự án KCN VSIP có quy mô đầu tư khoảng 900ha, trong đó, giai đoạn đầu chấp thuận chủ trương giao cho VSIP 290ha.

Về dự án VSIP, nhà đầu tư mong muốn lập KCN quy mô 1.600ha, nhưng ban đầu địa phương chỉ chấp nhận trên 290ha. Họ cam kết sau 12 tháng kể từ khi bắt đầu khởi công làm hạ tầng sẽ lắp đầy 50% khu 290ha này. Ngoài dự án nêu trên, hai dự án còn lại địa phương tập trung là dự án Trung tâm Liên kết sản xuất nông nghiệp và dự án Trung tâm Năng lượng Ô Môn là những dự án KCN lớn.

Mới đây, UBND TP.Cần Thơ đã có công văn về việc thông qua nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, UBND TP trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

z3608467969121_63482d83670eb3ba600e772c6ab7badb.jpg
Ông Cấn Văn Lực chuyên gia kinh tế phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Văn  Kim Khanh

Theo quy hoạch đến năm 2030, Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Vì sao TP.Cần Thơ phải cơ cấu lại quy hoạch các KCN? Vấn đề ở đây có rất nhiều nguyên nhân. Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế, phân tích chưa khi nào ĐBSCL được Đảng, Nhà nước quan tâm về chính sách và đầu tư mạnh mẽ như hiện nay. Điều này sẽ tạo cơ hội cho hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL phát triển, kéo theo đô thị phát triển mạnh mẽ. Các tuyến cao tốc xuyên qua ĐBSCL như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ giúp cho ĐBSCL nhanh chóng phát triển giao thông, công nghiệp, đô thị. Điều này đòi hỏi TP.Cần Thơ phải điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với chủ trương chính sách của trung ương cùng quy hoạch chung của ĐBSCL.

cthg.jpg
Hai tuyến cao tốc sẽ xuyên qua TP.Cần Thơ

Không chỉ Cần Thơ mà các tỉnh ĐBSCL phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch, cập nhật quy hoạch tích hợp vào quy hoạch chung của vùng.

Chính vì nhiều lý do như vậy, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Cần Thơ Dương Tấn Hiển cho biết sắp tới TP.Cần Thơ sẽ cơ cấu lại các KCN. Trong đó đảm bảo tính hợp lý trong bố trí các KCN, đảm bảo tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. Không để đất trong các KCN Cần Thơ có giá thành cho thuê quá cao, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Đảm bảo tính hợp lý trong không gian trong phát triển đô thị trên địa bàn TP.Cần Thơ vì đây là TP trung tâm vùng ĐBSCL.

Văn Kim Khanh