Giám đốc Sở Y tế An Giang lên tiếng vụ 7 đơn vị trực thuộc chi sai hơn nửa tỉ đồng kinh phí phòng dịch
Sự kiện - Ngày đăng : 14:58, 01/08/2022
Chiều 1.8, ông Trần Quang Hiền – Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang xác nhận Sở Tài chính tỉnh đã có công văn đề nghị Sở rà soát, kiểm tra, đối chiếu kinh phí phòng chống dịch COVID-19 đối với các đơn vị trực thuộc Sở Y tế.
“Đối với Trung tâm Y tế huyện Châu Phú chi chênh lệch ngân sách nhà nước cao hơn 6 đơn vị còn lại là do thanh toán chế độ cho các đối tượng nhưng không có quyết định phân công nhiệm vụ. Chi thanh toán nhu yếu phẩm cho bệnh nhân COVID-19 trùng chứng từ chi giữa chi phí điều trị và chi tiền mặt.
Vì vậy, số tiền chi chưa đúng thủ tục thanh toán ở Trung tâm Y tế huyện Châu Phú hơn 575 triệu đồng, còn lại các đơn vị khác chỉ vài triệu đồng.
Hiện Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Châu Phú thẩm định, rà soát để hoàn thiện thủ tục những khoản chi chưa đúng, đồng thời yêu cầu 6 đơn vị còn lại nhanh chóng rà soát, xuất toán để nộp trả lại ngân sách nhà nước theo quy định”, ông Hiền nói.
Theo tìm hiểu của phóng viên Một Thế Giới, qua công tác kiểm tra, đối chiếu một số chứng từ thanh toán kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021, của các đơn vị trực thuộc Sở Y tế cho thấy, có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chi chênh lệch ngân sách nhà nước 1,5 triệu đồng (chấm công vượt số ngày làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Bệnh viên đa khoa khu vực Tân Châu chi chênh lệch ngân sách nhà nước 1,4 triệu đồng (chấm công trùng với thời gian làm nhiệm vụ phòng, chống dịch).
Bệnh viên đa khoa khu vực tỉnh chi chênh lệch ngân sách nhà nước 1,8 triệu đồng (chấm công trùng với thời gian làm nhiệm vụ phòng chống dịch).
Trung tâm Y tế huyện Tri Tôn chi chênh lệch ngân sách nhà nước 4,1 triệu đồng (chấm công trùng với thời gian làm nhiệm vụ phòng chống dịch).
Trung tâm Y tế huyện Tịnh Biên chi chênh lệch ngân sách nhà nước hơn 1,6 triệu đồng (chấm công trùng với thời gian làm nhiệm vụ phòng chống dịch. Thanh toán tiền phụ cấp thường trực vượt chế độ quy định).
Trung tâm Y tế huyện An Phú chi chênh lệch ngân sách nhà nước hơn 1,1 triệu đồng (chấm công vượt số ngày làm nhiệm vụ phòng chống dịch).
Tuy nhiên, trong 6 đơn vị này thì đơn vị Trung tâm Y tế huyện Châu Phú chi chênh lệch lệch ngân sách nhà nước cao nhất với số tiền hơn 575 triệu đồng (thanh toán chế độ cho các đối tượng nhưng không có quyết định phân công công nhiệm vụ, chi thanh toán nhu yếu phẩm cho bệnh nhân trùng với chứng từ chi giữa chi phí điều trị và chi tiền mặt).
Với việc chi sai, không đúng chế độ, định mức quy định và không đủ thủ tục để thanh toán, Sở Tài chính đề nghị Sở Y tế rà soát, xuất toán và yêu cầu các đơn vị nộp trả lại ngân sách nhà nước theo quy định.
Ngoài ra, về chi mua sắm (gồm: Hóa chất, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ và trang thiết bị y tế), Sở Tài chính cũng đề nghị Sở Y tế, căn cứ nội dung phân bổ và các nguồn kinh phí được phép để lại của đơn vị.
Chịu trách nhiệm kiểm tra các nội dung mua sắm hàng hóa y tế phòng chống dịch thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh về phê duyệt quyết định mua sắm thuộc thẩm quyền đảm bảo theo quy định.
Đồng thời, căn cứ theo các quy định hướng dẫn với việc thực hiện mua sắm của các đơn vị y tế trực thuộc Sở Y tế, đề nghị Sở Y tế tổng hợp quy trình thực hiện mua sắm từng gói thầu, gồm: quy mô gói thầu, khối lượng, chủng loại hàng hóa, nguồn kinh phí thực hiện, hình thức lựa chọn nhà thầu, quy trình lựa chọn nhà thầu, tình hình thanh quyết toán và sử dụng hàng hóa sau khi mua sắm của các đơn vị y tế trực thuộc.
Theo đó, gửi Sở Tài chính để làm căn cứ đối chiếu với các quy định pháp luật về đấu thầu.